Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thu gom và xử lý chất thải nguy hại ở Đồng Nai chưa đạt yêu cầu - Ảnh minh họa
Điều đáng nói, số lượng doanh nghiệp thực hiện đăng ký quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại là khá lớn. Nhiều doanh nghiệp được tỉnh Đồng Nai và Tổng cục Môi trường cấp phép vận chuyển và xử lý, song phần lớn những chủ nguồn thải lại không quản lý được nguồn chất thải nguy hại phát sinh và việc xử lý vẫn chưa đạt yêu cầu. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký quản lý chủ nguồn thải chất thải nguy hại, với khối lượng gần 40.000 tấn/năm. Nhưng thực tế, năng lực thu gom và xử lý nguồn chất thải nguy hại trên mới chỉ đạt khoảng hơn 50%, gần 50% lượng chất thải còn lại vẫn đang gây hại cho môi trường. Sở TN MT cho biết, những loại chất thải nguy hại phổ biến ở Đồng Nai chủ yếu là các loại bao bì, thùng chứa công nghiệp, giẻ lau thải có chứa chất thải nguy hại, các loại dầu thải, chất thải từ nhiêu liệu lỏng, dung môi thải. Những ngành có khối lượng chất thải nguy hại cao là: sơn, véc ni và các loại mực in; chế biến da, lông và dệt nhuộm; các sản phẩm kim loại…
Theo dự báo của Sở TN MT tỉnh Đồng Nai, đến năm 2015, trên địa bàn sẽ phát sinh khoảng gần 58.000 tấn chất thải nguy hại; đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn 70.000 tấn. Trước yêu cầu xử lý khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên, tỉnh Đồng Nai và Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã cấp phép cho 10 doanh nghiệp được vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh, gồm: Doanh nghiệp Tân Phát Tài, công ty Cù Lao Xanh, công ty Tài Tiến, công ty Đại Lam Sơn, công ty dịch vụ Sonadezi, công ty dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai, doanh nghiệp Thanh Tùng 2, công ty Liên Thông Xanh, công ty Bá Phát và công ty Tân Thiên Nhiên.
Mặc dù đã có 10 doanh nghiệp đã được cấp phép vận chuyển xử lý chất thải nguy hại, tuy nhiên theo đánh giá, chỉ có hơn một nửa số doanh nghiệp trên đủ năng lực để hoạt động thu gom và xử lý. Số doanh nghiệp còn lại không đủ phương tiện và nguồn lực đáp ứng về mặt môi trường để xử lý, tái chế chất thải nguy hại. Ngoài ra công nghệ xử lý của các doanh nghiệp hiện cũng chỉ áp dụng những phương pháp như súc rửa - tái chế tẩy sạch - tái chế, thu hồi - đốt - hoá rắn - chôn lấp, đốt và chôn lấp tiêu huỷ. Những phương pháp này được đánh giá là đơn giản và sử dụng máy móc thiết bị chủ yếu sản xuất trong nước, mức độ xử lý chưa cao.Vì vậy, khả năng ô nhiễm thứ cấp cho môi trường đất, nước và không khí tại nơi xử lý chất thải nguy hại là rất cao.
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, nếu các đơn vị chức năng không quyết liệt trong việc thu gom, xử lý và đổi mới công nghệ xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh, nguy cơ gây suy thoái môi trường tại những nơi phát sinh chất thải và khu vực xử lý sẽ rất nghiêm trọng.