Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Mảng tối” trong bảo vệ động vật quý hiếm

(20:15:09 PM 13/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Sau năm ngày “bùng nổ” thông tin trên các kênh báo chí, tỉnh An Giang mới chính thức cử đoàn chuyên môn đến nghiên cứu, tiếp nhận con cá tra dầu khổng lồ có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Nhưng, mọi việc đã quá muộn…

Cái chết của con cá tra dầu lần này như giọt nước làm tràn ly vốn đã đầy ắp sự bất hợp lý trong công tác bảo vệ động vật quý hiếm ở ĐBSCL trong thời gian qua.

 

Cá tra dầu 71kg đã chết trước khi tỉnh An Giang bắt tay thực hiện bảo tồn

 

Giọt nước tràn ly

 

Ngày 5/7, trên sông Hậu đoạn đi qua bến đò Cây Me (xã Quốc Thái, H.An Phú), ngư dân bắt được con cá da trơn nặng 71kg có hình dạng giống cá tra. Ngày 7/7, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cử cán bộ đến nắm tình hình. Sau khi xác định đó là cá tra dầu Pangasianodon Gigas, thuộc họ cá tra (Pangasiidae), bộ cá nheo (Siluriformes), loài cá có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới, cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc rồi ra về. Mãi đến bốn ngày sau, khi thông tin về con cá tra dầu khổng lồ này bùng nổ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh An Giang mới cử đoàn cán bộ đến với ý định đưa cá về nuôi tại Trung tâm giống thủy sản tỉnh nhưng đã quá muộn. Ngày 11/7, khi đoàn công tác đến thì con cá đã chết. Trước đó, ngư dân xã Đa Phước (H.An Phú) cũng bắt được con cá tương tự có trọng lượng lên đến 99kg đã bán cho thương lái ở thị xã Châu Đốc. Sau đó cá được xẻ thịt bán lẻ với giá 500.000đ/kg.

 

Đây chỉ là giọt nước tràn ly, bởi trước đó, vào các năm 2010, 2011, nhiều động vật quý đã liên tiếp bỏ mạng trên đất ĐBSCL do sự tắc trách của cơ quan chuyên môn. Điển hình là chuyện mèo cá (Prionailurus Viverrina) ở cồn Bà Hòa (xã Bình Thành, H.Châu Thành, An Giang). Sau khi người dân địa phương dùng bẫy tự chế bắt được con mèo cá thứ tư, ngành chức năng mới phát hiện động vật có tên trong Sách đỏ này có mặt tại đây đã… ba năm. Do vào cuộc trễ nên hai con mèo cá đã bị giết thịt, bán cho người nuôi vật kiểng. Thậm chí trong mùa sếu 2011, chỉ vì muốn giảm mức giá từ một triệu đồng xuống 300.000đ tiền công cho người bắt giữ mà cơ quan chức năng đã chậm chân trong việc cấp cứu con sếu (Grus Antigone) đang có nguy cơ tuyệt chủng thoát khỏi cái chết.

 

Đuổi bóng

 

Chỉ trong vòng một tuần lễ, có đến hai con cá tra dầu khổng lồ bị tử vong là một tổn thất lớn đối với tỉnh An Giang. Bởi nó không chỉ kết liễu loài cá đặc hữu sông Mêkông có tên trong Sách đỏ thế giới, có nguồn gen độc đáo, có giá trị khoa học và kinh tế rất cao… mà còn làm tổn thương đến uy tín của địa phương trong việc bảo vệ động vật quý hiếm. Một vấn đề khác cũng cần được xem xét nghiêm túc, đó là khoảng trống hậu bảo tồn. Sau khi đã có đến hai con mèo cá bị giết thịt, bán nuôi kiểng và dù được người dân địa phương xác nhận còn ba-năm con mèo cá đang sinh sống tại khu vực cồn Bà Hòa, nhưng ngành chức năng tỉnh An Giang không thể làm gì hơn ngoài việc “dặn dò” chính quyền địa phương theo dõi và sớm thu hồi sau khi phát hiện người dân săn bắt… Nghĩa là, cơ quan chức năng rất thụ động, chủ yếu trông chờ vào sự tự nguyện của người dân. Cũng như với hàng trăm đợt thả động vật quý hiếm về với núi rừng, sau khi hỗ trợ một triệu đồng cho người nuôi dưỡng rồi thả mèo cá vào rừng tràm sinh thái Trà Sư (H.Tịnh Biên), đến nay Chi cục Kiểm lâm An Giang vẫn không có kênh để thu hồi thông tin: liệu mèo cá có thể tồn tại qua việc di dời “cưỡng bức” này hay không và hiện mèo cá còn hay mất…

 

Vì vậy mà nhiều cán bộ công tác lâu năm trong lĩnh vực bảo tồn động vật quý hiếm ở vùng ĐBSCL đã nói vui, công việc bảo tồn này đang tồn tại mảng tối như cuộc rượt đuổi theo chiếc bóng: nhọc sức, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

TÙNG HƯƠNG (PNO)