Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dầu, mỡ cặn trôi nổi - Tiểm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước

(23:58:23 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Dầu, mỡ thải, một trong những yếu tố ô nhiễm tiềm tàng nhất đối với môi trường nước. Theo báo cáo nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược cảng Hải Phòng của Viện Tài nguyên&Môi trường biển, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 20 - 30 phần trăm lượng dầu cặn được thu gom. Vậy những mỡ, dầu cặn, chất thải nguy hại chưa được xử lý đổ ra môi trường.

Dầu, mỡ thải, một trong những yếu tố ô nhiễm tiềm tàng nhất đối với môi trường nước. Theo báo cáo nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược cảng Hải Phòng của Viện Tài nguyên&Môi trường biển, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 20  - 30 phần trăm lượng dầu cặn được thu gom. Vậy những mỡ, dầu cặn, chất thải nguy hại chưa được xử lý đổ ra môi trường.

 

Chung quanh cống Cành Hầu, cửa thoát nước thải ra sông Lạch Tray (Hải Phòng) của cụm công nghiệp Cành Hầu luôn có cặn dầu, mỡ bám thành mảng lớn, đen, đặc. Lượng dầu, mỡ cặn chưa được xử lý, trôi nổi ra môi trường tự nhiên có thể thấy rõ nhất ở khu vực chung quanh cảng.

 

Nồng độ dầu trong nước ở hầu hết khu vực này dao động trong khoảng 0,21 đến 0,41mg/l; càng gần với các cảng mỡ cặn càng nhiều, có nơi cao hơn tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam tới 1,3-1,4 lần.

 

Lượng dầu chưa qua xử lý đổ ra môi trường có thể thấy rõ ở chất lượng môi trường trầm tích  khu vực chung quanh và gần cảng. Sự tập trung dầu ở khu vực trầm tích rất cao, nhất là ở khu vực cảng hóa lỏng Đình Vũ. Việc tích luỹ dầu trong trầm tích có xu hướng tăng từ năm 2000 trở lại đây, hiện vượt ngưỡng cho phép, gia tăng sự suy giảm môi trường nguồn nước.

 

Lượng dầu, mỡ thải không chỉ có ở trong cơ sở sửa chữa, đóng tàu, hoạt động của cảng, mà còn có trong nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, như sửa chữa, sản xuất ô tô, chế tạo máy, thép, chưng cất dầu…

 

Dân ở khu dân cư số 3-phường Lãm Hà (quận Kiến An) nhiều lần kiến nghị cơ sở chưng cất dầu FO trên địa bàn này gây ô nhiễm,  ảnh hưởng cuộc sống của người dân chung quanh. Trên sông Đa Độ, đoạn qua xã Quang Trung (huyện An Lão), nơi có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động, như sản xuất ô-tô, da giày, chế tạo máy…,nước sông thường váng dầu mỡ, ngả màu đen.

 

Lượng dầu cặn nhiều, nhưng hoạt động xử lý rất hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có một số doanh nghiệp tư nhân tham gia dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, trong đó có dầu, mỡ cặn. Thực tế, những cơ sở này mới quan tâm những nguồn xả thải lớn như của cơ sở sửa chữa, đóng tàu, chế tạo máy, sản xuất thép mà quên đi những nguồn xả thải nhỏ.

 

Trong khi số lượng các nguồn thải nhỏ lại rất nhiều. Thông tin về đơn vị làm dịch vụ xử lý chất thải còn quá ít. Hoạt động quản lý chủ nguồn thải chưa thực hiện chặt chẽ.

 

Có thể khắc phục tình trạng này, nếu các doanh nghiệp, đơn vị xử lý chất thải thực hiện nghiêm việc đăng ký chủ nguồn thải, thông báo lộ trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển, công nghệ xử lý chất thải…Nhưng hiện nay, việc quản lý chủ nguồn thải và xử lý hành vi đổ trộm chất thải nguy hại, trong đó có dầu, mỡ thải bị buông lỏng.

 

Năm 2008, có 52 cơ sở sản xuất được cấp và điều chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, trong đó, 11 cơ sở sản xuất được điều chỉnh chủ thải. Có thể thấy số doanh nghiệp được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải quá ít so với thực tế.

 

Năm 2009, thành phố dự kiến triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý nguồn chất thải với sự tham gia của các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Y tế, Công thương, Nông nghiệp&Phát trển Nông thôn. Mục tiêu của đề án này là quản lý, xử lý chặt chẽ hơn chất thải nguy hại.

 

Đây là sự khởi động đáng mừng trong quản lý lĩnh vực. Song cùng với nó là những quy định quản lý cả chủ nguồn thải chặt chẽ hơn, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.

 

(Theo Báo TN&MT)