Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Núi Hứa - Di tích “3 trong 1”

(09:15:55 AM 07/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Núi Hứa sở dĩ được gọi là di tích “3 trong 1” bởi hội tụ trong nó không chỉ là giá trị về mặt khảo cổ, lịch sử mà còn là vẻ đẹp đáng ngưỡng mộ của cảnh quan tự nhiên. Đây được xem là di tích độc đáo bậc nhất với Quảng Ninh nói riêng và trong cả nước nói chung.

Theo những cụ già cao tuổi ở thôn Làng Ruộng (xã Đại Bình, Đầm Hà) thì cái tên núi Hứa đã được gọi từ lâu đời rồi. Còn theo sách Đại Nam nhất thống chí, núi Hứa có tên là đảo Hòn Hứa: “Đảo Hòn Hứa ở cách châu Vạn Ninh 72 dặm về phía Tây - Nam, ở giữa biển nổi vọt đứng sừng sững tròn trĩnh, giáp giang phận Đầm Hà, bên tả là núi đất, bên hữu là dân cư”.

Toàn cảnh núi Hứa nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh núi Hứa nhìn từ trên cao.

 

Núi Hứa có 3 khu vực chứa đựng những giá trị khác nhau nên lịch sử hình thành phát triển, sự kiện nhân vật cũng khác nhau. Di tích khảo cổ nơi đây được phát hiện trong đợt khảo sát đầu tháng 5-1999, căn cứ vào kết quả điều tra điền dã bề mặt di tích và nghiên cứu hiện vật được phát hiện tại đây thì có thể hình dung là cách đây khoảng 7.000 đến 6.000 năm, cư dân cổ thuộc trung kỳ đá mới, đồng đại với cư dân hang Soi Nhụ, hang Nhà Trò (huyện Vân Đồn), hang Tiên Ông (TP Hạ Long)... đã tụ cư tại đây. Khi đó, mực nước biển còn thấp, bờ biển cách xa khu vực núi Hứa hàng chục km. Toàn bộ vũng bãi triều hiện nay là một đồng bằng nhỏ cửa sông, ven biển. Cư dân ở đây sinh sống dựa vào nguồn thức ăn từ hệ động, thực vật núi Hứa và nguồn thuỷ sản ở các sông, suối nhỏ xung quanh. Sau đó, vào giai đoạn sớm của Hậu kỳ đá mới, cư dân núi Hứa đã mở rộng không gian sinh sống sang vùng Hòn Ngò (tức Hòn Bờ Ngò, thôn Hà Tràng, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên). Quá trình sinh sống đã để lại các dấu tích khảo cổ như công cụ, đá nguyên liệu v.v.. còn khá dày đặc trên bề mặt của di tích ở núi Hứa và hòn Ngò. Cách đây khoảng 6.000 năm, do biển tiến nên cư dân Hòn Ngò, núi Hứa phải dịch chuyển đến vị trí khác để sinh sống. Nước biển dâng cao làm ngập toàn bộ khu cư trú của người cổ, sóng biển và thuỷ triều đã xâm thực các tầng văn hoá làm cho các di vật bị chìm dưới lớp bùn biển, tạo ra hiện trạng di tích ngày nay. Theo ông Trần Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhận định thì đây là di tích khảo cổ rất hiếm có, trên cả nước chỉ có 2 di tích có loại hình tương tự là di tích Giáp Khẩu (TP Hạ Long) và Hòn Ngò (Tiên Yên).

 

Núi Hứa về tự nhiên có vị trí rất cơ động về quân sự nên đã được chọn làm căn cứ cho các lực lượng cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến từ 1947 đến 1954. Núi có hang Hố Đen nằm giữa một thung lũng sâu, đường đi độc đạo, cây rừng rậm rạp, nên việc phòng thủ bảo vệ đều rất thuận lợi. Đây là địa thế một người chống được trăm người, tiến có thể đánh ra khu vực Đại Bình, Đầm Hà; thoái có thể rút lên khu vực rừng núi Dực Yên hoặc đi ra núi Cuống, ra biển. Căn cứ này còn có mối quan hệ và phối hợp với các căn cứ kháng chiến khác trong tỉnh Hải Ninh hình thành một vành đai các căn cứ kháng chiến, tạo thế và tạo lực phá vỡ “Vành đai xứ Nùng tự trị”, góp phần quan trọng đánh bại thủ đoạn “chia để trị, cô lập rồi tiêu diệt” của thực dân Pháp và tay sai. Truyền thống cách mạng của cán bộ, chiến sĩ trong căn cứ Hố Đen núi Hứa năm xưa đã trở thành cơ sở quan trọng để xã Đại Bình hôm nay được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đàn cò hàng nghìn con tạo nên cảnh quan rất sinh động cho di tích núi Hứa. Ảnh: Trần Trọng Hà
Đàn cò hàng nghìn con tạo nên cảnh quan rất sinh động cho di tích núi Hứa. Ảnh: Trần Trọng Hà

Không chỉ có giá trị về văn hoá, núi Hứa lại độc đáo hơn ở chỗ, nơi đây có rừng cò với hàng ngàn con cò sinh sống, tạo ra một cảnh quan hết sức sinh động. Khu rừng tre nơi đây đã được đàn cò về trú ngụ từ cuối những năm 70, sau này do điều kiện khí hậu, thức ăn dồi dào, chúng phát triển nhanh hơn. Cùng với đó, nhờ sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình ông Phạm Văn Hà, hiện đang canh tác đất lâm nghiệp ở đây nên vườn cò ngày càng thu hút nhiều loài cò về cư trú, sinh sản và phát triển. Ngoài ra, trên núi còn có các loài cây rừng nguyên sinh như tre, trám, dẻ, trâm, táu, trẹo, sắn thuyền, các loại dây leo, cây bụi và các loại cây thuốc quý như ba kích, chân chim, linh chi... chứng tỏ cách đây hàng nghìn năm, núi Hứa là một cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, phục vụ tốt nhu cầu sinh sống của con người. Cùng với đó, nơi đây cũng từng có nhiều loài thú như: Hổ, báo, gấu, hươu, nai, chuột, nhím và các loài chim, đặc biệt, hiện ở các khe suối của núi Hứa còn có loài ốc suối (melania) là thức ăn rất được ưa thích của cư dân văn hoá Hoà Bình...

 

Với nhiều giá trị đặc biệt như vậy, núi Hứa - vườn Cò cho thấy tiềm năng giàu có để phát triển du lịch của địa phương. Vừa qua, di tích núi Hứa đã được thông qua hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, đây là điều kiện thuận lợi giúp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích “3 trong 1” này ngày càng tốt hơn.

(Ngọc Mai - Báo Quảng NInh)