Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sứa ăn liền “Made in Quang Ninh”

(09:11:10 AM 07/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Những năm gần đây nghề khai thác và chế biến sứa đang góp phần mang lại thu nhập và tạo thêm việc làm cho nhiều người dân trong tỉnh Quảng Ninh. Bởi sứa là những loài hải sản có giá trị kinh tế, được du khách đến Quảng Ninh ưa chuộng.

 

Chế biến sứa ở Công ty TNHH MTV đầu tư Sơn Hải Minh.
Chế biến sứa ở Công ty TNHH MTV đầu tư Sơn Hải Minh.

 

Tại thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 5.322 tàu thuyền tham gia khai thác sứa với trên 100 cơ sở thu mua, chế biến, tạo việc làm cho gần 14.000 lao động. Tuy nhiên, việc chế biến các sản phẩm từ sứa trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Các cơ sở sản xuất, chế biến chủ yếu mang tính tự phát và dừng lại ở công đoạn sơ chế dẫn tới chất lượng sản phẩm, giá thành, hiệu quả kinh tế không cao. Giá thu mua sứa nguyên liệu bấp bênh, không ổn định. Thị trường tiêu thụ phụ thuộc nên nhiều doanh nghiệp sản xuất mang tính cầm chừng, không dám đầu tư lớn. Hầu hết các phế phẩm và nước thải trong quá trình chế biến, sản xuất chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới nguồn lợi thuỷ sản. Trước thực trạng đó, để góp phần đưa nghề khai thác, chế biến sứa trở thành nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có cơ hội làm giàu, tháng 6-2011, Trung tâm Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến sứa ăn liền tại Quảng Ninh” do kỹ sư Phạm Thị Ngọc Anh làm chủ nhiệm đề tài.

 

Theo kỹ sư Phạm Thị Ngọc Anh, trong quá trình triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã tiến hành nghiên cứu thị trường, tìm hiểu các món ăn truyền thống chế biến từ sứa và sử dụng phương pháp kế thừa những kinh nghiệm, thử nghiệm về chế biến thực phẩm của Trung tâm Công nghệ thực phẩm Hà Nội. Bởi vậy, việc chuyển giao công nghệ đã được nghiên cứu, tính toán, thiết kế phù hợp với thực tế, quy trình sản xuất chế biến sứa ăn liền tại Vân Đồn đã đạt được kết quả như mong muốn. Quy trình chế biến sứa ăn liền đã được xây dựng thành công. Sản phẩm sứa ăn liền đảm bảo giòn, dai, giữ được màu sắc tự nhiên, có mùi thơm đặc trưng của sứa và các loại gia vị, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, đề tài còn tiến hành đánh giá tác động của chất thải chế biến sứa và đề xuất giải pháp xử lý nhằm đảm bảo vấn đề môi trường ở các cơ sở chế biến sứa ăn liền. Hiện nay, nhóm thực hiện đề tài cũng tiến hành chuyển giao và triển khai sản xuất thử nghiệm sứa ăn liền tại Công ty TNHH MTV đầu tư Sơn Hải Minh, xã Đông Xá (Vân Đồn) một mô hình chế biến sứa ăn liền quy mô 300-500kg.

 

Cho đến nay, đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến sứa ăn liền tại Quảng Ninh” đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, tạo ra một sản phẩm mới cho người tiêu dùng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng giá trị nguồn lợi hải sản sẵn có của Quảng Ninh. Quy trình công nghệ chế biến sứa ăn liền đã được Công ty TNHH MTV đầu tư Sơn Hải Minh tiếp nhận và đưa vào sản xuất thử nghiệm thành công. Ông Phạm Thanh Ba, Quản đốc Công ty cho biết: “Quy trình chế biến sản phẩm sứa ăn liền không quá khó thực hiện nên công nhân của Công ty chúng tôi đã tuân thủ đầy đủ các thông số kỹ thuật đề ra. Sản phẩm làm ra bước đầu được khách hàng tiếp nhận và đánh giá tốt”. Kết quả của đề tài trên sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình chế biến sứa ăn liền. Qua đó, tạo thêm một sản phẩm mang thương hiệu của Quảng Ninh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân.

 

 

Do thời vụ khai thác ngắn, công nghệ chế biến lạc hậu, thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên việc sản xuất còn mang tính cầm chừng, chất lượng sản phẩm khó kiểm soát, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. Do đó, việc nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến sứa tại Quảng Ninh nhằm tạo ra sản phẩm mới mang thương hiệu của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương và giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động là rất cần thiết và quan trọng.
(Thu Hương (Sở KH&CN) - báo Quảng Ninh)