Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đầm Ô Loan tái ô nhiễm nghiêm trọng

(23:58:08 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Đầm Ô Loan - một danh thắng quốc gia ở tỉnh Phú Yên, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng giống như cách đây hơn 10 năm.

Vẻ đẹp đầm Ô Loan. Ảnh: website Phú Yên.
Đầm Ô Loan - một danh thắng quốc gia ở tỉnh Phú Yên, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng giống như cách đây hơn 10 năm.

 

Nhận định trên được Trung tâm Giống&Kỹ thuật Thuỷ sản Phú Yên đưa ra sau khi xét nghiệm các mẫu nước thu được tại bốn vị trí trong đầm. Theo đó, biên độ triều trong đầm thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 đến 0,3 mét, nước đầm cạn hơn bình thường, cửa đầm hẹp nên sự lưu thông nước trong đầm với biển hạn chế do đang thi công cầu An Hải bắc qua đầm này.

 

Hiện nay nước đầm cạn, nhiệt độ môi trường cao, rong tảo phát triển mạnh, tàn lụi thối rữa; sự phân huỷ các chất hữu cơ diễn ra nhanh dẫn đến đào thải các độc tố ra môi trường. Nước trong đầm trở nên đậm đặc thiếu ô-xy cục bộ vào sáng sớm. Những ngày nắng mùi hôi thối từ đầm bốc lên rất khó chịu.

 

Trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua, khu vực đầm Ô Loan đã xảy ra hiện tượng một số cá tự nhiên chết do lở loét, nhiễm khuẩn; 600 kg vẹm xanh sau một tuần thả nuôi đã bị chết.

 

Trước đây, mỗi năm cư dân sống quanh đầm Ô Loan có thể khai thác ít nhất 200 tấn tôm, 150 tấn cá cùng nhiều nguồn lợi từ các loài nhuyễn thể khác vốn là đặc sản của Phú Yên nhưng nay hầu như giảm đáng kể.

 

Ngoài ra, hầu hết các chất thải từ nông nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi của dân cư bảy thôn thuộc năm xã An Ninh Đông, An Cư, An Hải, An Hiệp và An Hoà (huyện Tuy An) sống chung quanh đầm thải ra làm cho môi trường càng bị hủy hoại nghiêm trọng hơn.

 

Được biết năm 1998, môi trường sống ở đầm Ô Loan từng bị ô nhiễm rất nặng khi rất nhiều hộ, kể cả cán bộ tự động đắp hồ theo dạng hở (chỉ dùng san hô, đá để chèn làm bờ hồ) để nuôi tôm sú quanh đầm với diện tích lên trên 320 ha, chiếm hơn 20 phần trăm diện tích mặt đầm.

 

Việc nuôi tôm sú bằng hồ hở trong khi sử dụng thức ăn và các hóa chất bừa bãi gây ra ô nhiễm, hầu như năm nào cũng phát sinh dịch bệnh tôm, mất trắng cả trăm hecta và nguồn lợi thuỷ sản bị cạn kiệt dần.

 

Thiết nghĩ tỉnh Phú Yên cần có biện pháp cương quyết hơn để không chỉ đảm bảo môi trường sống quanh đầm Ô Loan mà còn có trách nhiệm tôn tạo một danh thắng Quốc gia.

 

(Theo TTXVN, Lao Động)