Anh Ngân bên vườn chim của mình trông giữ hơn 45 năm qua.
Đó là vườn chim của gia đình Vũ Văn Ngân (SN 1975, ở huyện Yên Thành, Nghệ An). Hơn 45 năm nay, nối gót bố, anh Ngân dày công bảo vệ vườn chim tự nhiên và được mọi người gần xa biết đến như một món quà quý từ thiên nhiên.
Vùng đất hoang vu ngày ấy...
Khu vườn của gia đình anh Vũ Văn Ngân có diện tích rộng khoảng 1ha, được trồng nhiều loại cây như tre nứa, cây lâm nghiệp và các loại cây ăn quả. Anh Ngân cho biết vào năm 1960 gia đình anh lên đất Yên Thành ở theo chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới. Thời điểm đó vùng đất này đồi núi hoang vu, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống còn rất ít. Sau một thời gian khai hoang phục hóa, nhiều loại cây được trồng lên xanh tốt, bởi thế môi trường thiên nhiên ở đây được phục hồi.
Theo quan niệm của người dân địa phương “đất lành chim đậu” nên việc các loài chim đã về trú ngụ, xem đây là nơi an toàn để xây tổ uyên ương, sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều là một điềm vui. Đặc biệt từ tháng Ba đến tháng Tám hàng năm được xem là thời điểm nhộn nhịp nhất của các cá thể chim.
45 năm trông giữ vườn chim cứ đến mùa là cò lại sinh sôi nảy nở.
Cứ vào khoảng 18 giờ hàng ngày, cả khu vườn này rợp bóng chao lượn của hàng ngàn con chim như cò nâu, cò trắng, sáo sậu, chích chòe, chào mào, chim sẻ... quần tụ về đây để trú ẩn ban đêm, làm cho quần thể này rộn rã hơn bởi những tiếng chim ríu rít, tạo nên một thứ âm thanh náo nhiệt mà ít nơi nào có được.
Vào khoảng thời gian này, khu vườn cũng là “mái nhà xanh” để các chim làm tổ đẻ trứng. Nếu đứng ở một vị trí cao để quan sát khu vườn thì mới thấy rõ quy ước, sự phân chia gianh giới rõ ràng giữa các loài chim. Nếu cò trắng, cò nâu thường chọn các cây tre làm tổ thì chim cu gáy, chào mào, chim sẻ, chích chòe, chìa vôi... chọn những cây cao, có lá to để xây tổ ấm, đứng dưới những bóng cây xanh có thể nhìn thấy được những chú chim non mới chào đời, được chim bố và chim mẹ chăm sóc mớm mồi, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thơ sinh động, tràn đầy sức sống.
Những chú cò lớn lên trong sự chăm sóc cẩn thận của anh Ngân.
Còn loài chim sáo sậu thường chọn những ngọn cây cao, hoặc những chỗ kín đáo để trú ngụ vào ban đêm, sáng sớm hôm sau lại từng đoàn vỗ cánh bay đi kiếm ăn. Đặc biệt những đêm hè trăng thanh, gió mát, vào thời điểm canh ba, cả vùng rộn đã rộn rã tiếng chim gọi nhau đi kiếm ăn trước lúc mặt trời mọc.
... và bây giờ
Bắt đầu vào thời điểm cuối tháng Tám (âm lịch) cho đến tháng Hai, tháng Ba năm sau, ngoài các loài chim nói trên còn có thêm nhiều loài chim khác như chèo bẻo, chim én, Vàng anh từ phương Bắc kéo nhau từng đàn về khu vườn này trú ẩn tránh rét.
Một điều thú vị nữa, Ngân cho biết: "Theo kinh nghiệm đúc rút từ hàng chục năm qua, nếu ban đêm nghe tiếng Cò kêu khác hơn so với bình thường, hoặc sáng mai ra vườn có nặng mùi phân chim thì những ngày tiếp theo thời tiết sẽ chuyển từ nắng sang mưa. Vì vậy, người dân có thể căn cứ chính xác để đoán được thời tiết trong sản xuất nông vụ".
Cứ chiều đến hàng ngàn con cò về vườn anh trú ngụ.
Để có được một vườn chim tự nhiên phong phú như ngày hôm nay là một quá trình vất vả đối với gia đình anh Vũ Văn Ngân. Ngoài làm 4 sào ruộng, gia đình anh còn phải thường xuyên có người ở nhà để canh chừng khu vườn, bởi thường xuyên có người lạ vào vườn dòm ngó, rình bắt và bẫy chim, có kẻ còn đưa cả súng hơi, súng thể thao vào đây để săn bắn. Loài chim mỗi khi bị phá tổ hoặc nghe tiếng súng sẽ tản đàn và không dám bay về cư trú. Có những lúc chim non bị rơi ra khỏi tổ thì cũng phải kịp thời nhặt lên để trả về nơi tổ ấm.
Mặt khác một công việc cũng hết sức vất vả mà vợ chồng anh âm thầm làm bấy lâu nay đó là hàng tuần phải làm vệ sinh khu vườn một lần, bởi chim về nhiều, lượng phân thải ra cũng rất lớn. Có dày công như vậy mới đảm bảo được công tác vệ sinh môi trường, tạo không khí trong lành để thu hút các loài chim về đây nhiều hơn.
Những con chim sáo đen cũng bay về trú ngụ ở vườn anh Ngân.
Với những gì đã có, mong muốn của gia đình anh Vũ Văn Ngân giờ đây nếu được sự quan tâm của chính quyền các cấp và những ngành liên quan. Có sự đầu tư thích đáng, anh sẽ quy hoạch xây dựng khu vườn này thành một trung tâm bảo tồn những loài chim quý hiếm và trở thành điểm đến của du khách thập phương có điều kiện chiêm ngưỡng, khám phá sự phong phú đa dạng của các loài chim thiên nhiên, và hơn thế là được thả mình trong những tiếng chim ríu rít sau những ngày làm việc và lao động căng thẳng.