Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đưa dự án khí sinh học về nông thôn

(13:28:39 PM 05/07/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Thực hiện Dự án khí sinh học giai đoạn 2007-2012, Trung tâm Khuyến nông Gia Lai đã xây dựng trên 700 công trình khí sinh học biogas tại các địa phương của tỉnh. Hầu hết các công trình khí sinh học Biogas được phổ biến và ứng dụng rộng rãi là thiết bị khí sinh học nắp cố định hình vòm cầu kiểu KT1 và KT2. KT1 được áp dụng cho những vùng đất dễ đào, nền đất tốt, mực nước ngầm thấp; KT2 được áp dụng cho những vùng đất khó đào, đất cát, nền đất yếu, mực nước ngầm cao.

Trung tâm Khuyến nông Gia Lai đã xây dựng trên 700 công trình khí sinh học biogas tại các địa phương của tỉnh - Ảnh minh họa IE

 


Anh Tạ Chí Ngọc Dư, xã Song An, thị xã An Khê cho biết: Tôi lắp đặt hệ thống Biogas được 1 năm, thấy lợi ích vì vừa giải quyết được mùi hôi thối của chất thải do chăn nuôi, vừa tạo ra được chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình, tiết kiệm gas, điện. Ngoài ra, nước thải còn được dùng để tưới cỏ voi, phục vụ chăn nuôi.


Để chương trình phát huy hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông Gia Lai tỉnh đã đào tạo 1 lớp thợ xây gồm 30 người. Những thợ xây này phối hợp với các kỹ thuật viên cấp huyện của dự án là cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, xây dựng các công trình Biogas cho các hộ dân. Mỗi hộ tham gia Dự án được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/công trình. Ngoài ra, các gia đình còn được được tập huấn hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng cũng như tư vấn kỹ thuật trong quá trình xây dựng và vận hành công trình.


Đặc biệt, tại Gia Lai, trong quá trình xây dựng bể Biogas, một thợ xây đã có sáng kiến lắp đặt thêm ống phụ tại bể xả, tạo điều kiện cho những chất thải cặn bã lắng đọng lâu ngày trong bể tự động chảy ra ngoài, không cần phải mở nắp bể để hút và nạo vét mỗi khi bể đầy như trước đây. Anh Đào Văn Phàn, một thợ xây do Dự án khí sinh học tỉnh Bình Định đào tạo, cho biết: Sau khi được dự án khí sinh học đào tạo, tôi lên Gia Lai nhận xây dựng các công trình biogas. Riêng tại huyện Kbang, tôi đã xây dựng được trên 300 bể khí sinh học. Trong quá trình xây dựng, tôi nhận thấy cần phải lắp thêm ống xả để thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng. Ý kiến này của tôi đã được nhiều gia đình chăn nuôi ủng hộ.


Các hộ dân nuôi từ 6 con lợn trở lên sẽ có đủ lượng chất thải để xây dựng 1 công trình khí sinh học biogas; đảm bảo có gas sử dụng thường xuyên. Qua quá trình sử dụng, hầu hết người dân đều cho rằng lợi ích của công trình biogas là rất thiết thực và phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân như thắp sáng, đun nấu, giảm mùi hôi, giảm vi khuẩn gây bệnh trong chất thải vật nuôi và tạo môi trường cảnh quan xanh sạch đẹp. Ngoài ra, sử dụng công nghệ khí sinh học còn giúp nông dân tiết kiệm cho gia đình chi phí nhiên liệu gần 300 nghìn đồng và chi phí phân bón cho các loại cây trồng từ 120.000 - 250.000 đồng mỗi tháng.

(Theo TTXVN)