Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nước máy Pháp Vân và Hạ Đình có amoni cao gấp 6-18 lần

(23:57:53 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, thông báo kết quả kiểm tra nước chiều nay. Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế cho biết mức vượt ngưỡng này chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của dân.

Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, thông báo kết quả kiểm tra nước chiều nay. Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế cho biết mức vượt ngưỡng này chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của dân.

 

Theo kết quả kiểm tra mẫu nước của tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhị và cộng sự (Viện Công nghệ sinh học -Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) thì hàm lượng amoni ở nhà máy Pháp Vân vượt 10-40 lần mức cho phép 1,5 mg/l, nhà máy Hạ Đình gấp 5-13 lần. Hàm lượng asen ở hai nhà máy này đều cao gấp 2-5 lần mức giới hạn...

 

Trước thông tin này, Sở Y tế Hà Nội mới đây đã lấy bảy mẫu nước đưa đi xét nghiệm ở ba cơ sở độc lập (trong đó có hai mẫu của hai nhà máy Pháp Vân, Hạ Đình và năm mẫu còn lại của các hộ dân). Kết quả là hàm lượng asen ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, hàm lượng amoni dao động từ 10 đến 28 mg/l, cao 6-18 lần.

 

àdfd
Sở Y tế Hà Nội đi kiểm tra tại nhà máy nước Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: N.P.

 

Ông Nguyễn Việt Bắc, đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường, cho rằng amoni ở mức này chưa gây hại cho sức khỏe.

 

"Hàm lượng amoni như trên chưa phải là liều độc cho cơ thể, mà chỉ báo hiệu sự ô nhiễm nguồn nước. Amoni trong nước không phải là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và tác hại xuất hiện ở con người khi hàm lượng phải là trên 200 mg/l (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới)", ông Bắc nói.

 

Ông Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, hàm lượng amoni như vậy chưa ảnh hưởng đến sức khỏe, phải liều quá cao mới gây độc.

 

Lý giải sự khác nhau về hàm lượng amoni giữa kết quả của một số nhà khoa học và kết quả kiểm tra mẫu lần này, ông Trần Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội, cho rằng không phải nước chỗ nào cũng giống nhau, có thể chỗ này hàm lượng cao hơn một ít, chỗ kia thấp hơn một ít. Ngoài ra có thể do vị trí lấy mẫu nước khác nhau, hàm lượng amoni có thể chịu ảnh hưởng của những yếu tố thời tiết, mùa...

 

Ông cũng cho biết, hiện tại hai nhà máy này đã giảm 1/3 công suất cung cấp nước, tăng cường xúc rửa bể lọc, tăng cường khâu xử lý nước, giảm tốc độ lọc để đưa hàm lượng amoni về ngưỡng cho phép.

 

Theo ông, nguyên nhân dẫn đến hàm lượng amoni cao là do ô nhiễm chất thải sinh hoạt ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, quy trình công nghệ cũng như cách bảo quản. Người dân chứa nước bằng các bể xi măng nếu không thường xuyên xúc rửa bể cũng có thể làm cho hàm lượng amoni cao lên.  

 

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng cho biết, 1-2 tháng tới, Sở sẽ tiếp tục lấy mẫu ở hai nơi này và gửi đi kiểm tra xem hàm lượng amoni đã ở trong ngưỡng cho phép chưa. Ông cũng khẳng định nước sinh hoạt từ 10 nhà máy còn lại của Hà Nội đều đảm bảo an toàn với dân.

 

(Theo VnExpress)