Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đê biển Gò Công đang kêu cứu
Tuyến đê này có tầm quan trọng đặc biệt đối với dân sinh - kinh tế - xã hội của các huyện ven biển Gò Công như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công thuộc phạm vi Dự án ngọt hóa Gò Công; đồng thời trực tiếp bảo vệ trên 16.000 ha đất 8 xã duyên hải: Tân Phước, Vàm Láng, Kiểng Phước, Gia Thuận, Tân Điền, Tân Thành, Phước Trung và thị trấn Tân Hòa của huyện Gò Công Đông. Đây cũng là tuyến đê trực tiếp đương đầu với sóng gió biển Đông và bị thiên tai uy hiếp nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ qua trên địa bàn Tiền Giang. Việc bảo vệ an toàn đê biển Gò Công vì vậy là mối quan tâm hàng đầu của các ngành, các cấp và nhân dân các huyện ven biển nằm ở vị trí “đầu sóng, ngọn gió”.
Tập trung mọi nguồn lực kiện toàn, gia cố, bảo vệ đê
Đê biển Gò Công được hình thành từ hàng trăm năm. Khởi thủy là một đê bao nhỏ được xây dựng khoảng năm 1930 nhằm ngăn không cho nước mặn tràn vào ruộng lúa một vụ trong đê. Bên ngoài đê tiếp giáp với biển Đông là thảm rừng ngập mặn trùng trùng điệp điệp có tác dụng tốt trong việc chắn sóng, chắn gió, bảo vệ đê. Trước 30/4/1975 , đê biển Gò Công từng trải qua 3 đợt tu bổ, gia cố lớn vào các năm 1955, 1967 và 1972. Trong đó, đợt đại tu năm 1972 đã tập trung gia cố đoạn xung yếu dài 2.100 m thuộc xã Tân Thành và 600 m thuộc xã Tân Điền bằng giải pháp lát bê tông trên mái và kè mái đê. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn không giữ được chân đê. Chỉ 2 năm sau, đê bị sạt lở phải dời vào trong.
Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đê này đối với việc bảo vệ sản xuất đời sống, phòng chống thiên tai, mở ra bước ngoặt trong sản xuất cho người dân vùng Gò Công (Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo), sau ngày miền Nam giải phóng, Tiền Giang đặc biệt quan tâm đầu tư gia cố, nâng cấp và hoàn thiện đê biển Gò Công, đảm bảo hiệu quả ngăn mặn triệt để từ hướng biển Đông tràn vào. Thời điểm 1976 - 1978, mỗi năm, tỉnh huy động hàng trăm ngàn ngày công lao động để áp trúc, gia cố các đoạn xung yếu từ cống Rạch Bùn (Tân Điền, Gò Công Đông) đến Tân Thành (Gò Công Đông). Từ năm 1982 đến nay, tỉnh tập trung hoàn thiện toàn tuyến đê biển với những trọng tâm: đắp tuyến đê phòng thủ bên trong đê xung yếu, gia cố các đoạn đê hiện hữu, xây dựng tường giảm sóng, trồng rừng phòng hộ, đắp áp trúc kết hợp mở rộng mặt đê...
Do đặc thù thời tiết, thủy văn vùng ven biển Gò Công rất khắc nghiệt, công việc tiến hành khó khăn và công phu, nhiều đoạn phải làm tường giảm sóng bằng đá hộc, đặt các khối tứ diện bằng bê tông giảm sóng trên đoạn dài 810 m phía ngoài đoạn xung yếu để giảm bớt tác hại xâm thực của biển. Đặc biệt, đoạn xung yếu phải gia cố nhiều lần nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu hiệu quả, bền vững. Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, chỉ tính từ năm 1983 đến nay, tổng kinh phí đầu tư gần 258 tỉ đồng kiện toàn đê biển Gò Công trong đó có việc xây mái kè chắn sóng bảo vệ gần 3.000 m đê xung yếu đoạn Tân Điền – Tân Thành.
Mong manh đê biển Gò Công
Đê biển Gò Công trực tiếp đương đầu với sóng to gió lớn vùng biển Gò công. Thời điểm mùa bão tố hàng năm rất căng thẳng. Khi gió mùa Đông Bắc (các tỉnh phía nam gọi là gió chướng) thổi mạnh kết hợp triều cường thường gây ra sóng to rất nguy hiểm, đe dọa những đoạn đê xung yếu mà bên ngoài đai rừng phòng hộ thưa, mỏng hoặc không còn.
Đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho thấy, những biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ đê biển Gò Công thời gian qua như đắp đoạn xung yếu, lát bê tông mái và kè đá chân đê, đóng cừ tràm và lát đá hộc mái đê, làm tường giảm sóng bên ngoài bằng đá xếp hoặc đá tứ diện bằng bê tông, đều chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Dù thường xuyên được gia cố nhưng đê biển Gò Công vẫn luôn trong tình trạng “mong manh”. Qua nhiều đợt gia cố, nhiều đoạn đê vẫn không giữ được, đoạn xung yếu Tân Điền ngày càng phải dời sâu vào trong do bị xâm thực bởi sóng và gió. Nhiều đoạn bên ngoài không còn rừng phòng hộ. Những nơi có rừng thì ngày càng thưa, mỏng. Đoạn xung yếu trước đây đã bị vỡ và sóng gió đánh tiêu. Đê phòng thủ bên trong trở thành đê xung yếu.
Sóng to gió lớn xâm thực mạnh là nguy cơ đe dọa đê. Giải pháp bảo vệ đê được địa phương kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua chưa mang lại hiệu quả còn do một nguyên nhân thiếu đai rừng phòng hộ. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang thừa nhận, giữa đê biển và rừng ngập mặn hữu cơ có sự gắn bó tựa như “môi hở, răng lạnh”. Ông Pháp cũng đúc kết bài học, nơi nào rừng bị tàn phá thì đê ngăn mặn có nguy cơ bị phá hủy rất cao mặc dù việc gia cố, tôn tạo, nâng cấp, bảo vệ tốn nhiều tiền của, công sức nhất.
Theo báo cáo của Hạt Quản lý đê và rừng phòng hộ Tiền Giang, rừng phòng hộ Gò Công Đông (trực tiếp bảo vệ đê biển Gò Công) chỉ còn chưa đầy 700 ha. Bề dày của đai rừng phòng hộ bên ngoài đê biển thay đổi tùy theo đoạn. Chỉ có đoạn qua xã Tân Thành và đoạn từ cống Rạch Xẻo đến cống Rạch Bùn, đai rừng còn tương đối dày từ 130 m đến 530 m. Còn lại, đai rừng chỉ dày từ 50 m đến 150 m. Đáng lo ngại, đoạn xung yếu dài khoảng 2 km hoàn toàn không còn rừng phòng hộ. Đây cũng là đoạn đê yếu nhất và bị đe dọa bởi sóng gió nhiều nhất.
Trước thực trạng trên, tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển rừng phòng hộ ngoài đê, có phương án quy hoạch nâng cấp và xây dựng mới đê biển gắn với giao thông, thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh cũng đã chủ động cho lập Dự án gây bồi đoạn xung yếu, phục vụ mục tiêu gây bồi để trồng và tái sinh rừng phòng hộ có chiều dài khoảng 5.000 m kinh phí ước lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Được biết, việc xây dựng, duy tu và nâng cấp đê biển Nam bộ nói chung và đê biển Gò Công nói riêng luôn được Trung ương quan tâm; trong đó, Dự án nâng cấp đê biển Gò Công đã được duyệt 202 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh mới chỉ được nhận 35 tỉ đồng cho mục tiêu trả tiền đền bù và áp trúc mặt đê trong năm 2010. Năm 2011, Tiền Giang chi từ ngân sách địa phương 5 tỉ đồng để trải đá mặt đê phục vụ mục tiêu tuần tra, bảo vệ và hộ đê trong mùa mưa bão. Năm 2012, chưa có vốn. Do vậy, trước mắt, đê biển Gò Công vẫn phải “gồng mình” chống sóng gió trong mùa bão tố năm nay.