Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nước giếng thánh bị nhiễm phân lâu ngày

(23:57:43 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Xét nghiệm vi sinh lẫn hoá, lý đều cho kết quả nước giếng thánh ở Đà Nẵng bị ô nhiễm nặng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước dùng cho ăn uống nếu không đun nấu kỹ.

Xét nghiệm vi sinh lẫn hoá, lý đều cho kết quả nước giếng thánh ở Đà Nẵng bị ô nhiễm nặng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước dùng cho ăn uống nếu không đun nấu kỹ.

 

>> Ùn ùn đi lấy nước giếng thánh chữa bệnh

 

Dù có cầu khấn thì nước giếng thánh cũng không thể giúp chữa bệnh vì bản thân nguồn nước đã bị ô nhiễm Ảnh: HC

16h00 chiều ngày 16/4, Thạc sĩ – bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng - chính thức ký văn bản về kết quả xét nghiệm nguồn nước giếng thánh tại thôn Trường Định (xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng).

 

Về xét nghiệm vi sinh, Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng tiến hành đối với ba mẫu nước do Trạm y tế xã Hoà Liên lấy chiều 12/4, Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang lấy sáng 13/4 và trực tiếp Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng lấy chiều 13/4. Mỗi mẫu nước được xét nghiệm sáu loại vi khuẩn.

 

Kết quả đã phát hiện bốn loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Trong đó, việc xuất hiện vi khuẩn kỵ khí chứng tỏ nguồn nước giếng này đã bị nhiễm phân lâu ngày; việc xuất hiện liên cầu khuẩn khẳng định nếu sử dụng nguồn nước này không đun sôi có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiêu hoá.  

 

Đặc biệt, chỉ mới qua một ngày (thời gian giữa các lần lấy mẫu nước) nhưng mức độ ô nhiễm ở nguồn nước giếng này đã tăng lên rõ rệt do sự xuất hiện của quá đông người chen nhau lấy nước khiến mồ hôi, bụi bặm… rơi xuống giếng rất nhiều, trong đó, Coliforms từ 2,4 đã tăng lên 2,9, Escherichia coli từ 43 tăng lên 64, vi khuẩn kỵ khí từ 6 tăng lên 11, liên cầu khuẩn từ 3 tăng lên 4.

 

Về xét nghiệm hoá - lý, Trung tâm Y học Dự phòng Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm 12 chỉ tiêu và cũng khẳng định không đạt yêu cầu về nước dùng cho ăn uống theo Quyết định số 1329/2002 của Bộ Y tế.  

 

Trong đó, độ pH của nguồn nước giếng này thấp hơn quy định (5,2 so với 6,5 – 8,5) chứng tỏ có sự hiện diện của một số vi khuẩn làm lên men, axit hoá môi trường. Độ oxy hoá hữu cơ môi trường axit cao hơn quy định (2,6 so với thấp hơn hoặc bằng 2,0) chứng tỏ có xác động thực vật bị phân huỷ trong nguồn nước giếng này.

 

Từ kết quả xét nghiệm này, Thạc sĩ - bác sĩ Tôn Thất Thạnh nhấn mạnh: “Nếu coi đây là nước giếng “thánh” có khả năng chữa bệnh thì có nghĩa nó phải có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Thế nhưng vi khuẩn lại tồn tại ngay chính trong nguồn nước này chứng tỏ đó không phải là nước thánh gì cả, và nếu uống vào mà không đun sôi kỹ thì có thể sẽ mang thêm bệnh, nhất là các loại bệnh về đường tiêu hoá!”.

 

Được biết, để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường khu vực giếng thánh, bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã ký văn bản chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Hoà Vang tổ chức phun thuốc khử trùng, tẩy uế ở khu vực giếng để đảm bảo vệ sinh phòng chống dịch bệnh.

 

(Theo Vietnamnet)