Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần tháo gỡ khó khăn cho diêm dân Trà Vinh

(11:33:42 AM 02/07/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Cả tỉnh Trà Vinh chỉ còn hai xã làm muối là Dân Thành và Đông Hải, nhưng với thời tiết ngày càng khắc nghiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với sự bấp bênh của thị trường muối, diêm dân nơi đây đang đứng trước nguy cơ phải bỏ nghề truyền thống từ bao đời nay.

Ảnh minh họa

 

Đã cuối vụ muối, nhưng diêm dân vẫn không bán được do giá quá thấp. Đầu vụ giá muối chỉ khoảng 15.000 đồng/giạ, còn hiện nay giá muối vẫn đứng ở mức 28.000 – 30.000 đồng/giạ. Anh Ly, một diêm dân ở ấp Động Cao, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, bức xúc: Với giá muối như hiện nay, diêm dân không có lãi, tối thiểu giá muối phải từ 35.000 đồng/giạ mới đủ các khoản chi phí. Nghề làm muối cực lắm, khi nắng thì ra ruộng, lúc trời mát phải đạp sa quạt cho nước muối lên khuôn, mưa thì phải chạy đôn chạy đáo đưa muối vào ụ. Những năm gần đây ngoài giá muối bấp bênh, nghề làm muối còn bị ảnh hưởng thời tiết khiến người sản xuất thiệt hại trăm bề.


Muối Trà Vinh, do đặc thù biển phù sa, cộng với phương thức làm muối thủ công nên chất lượng không tốt bằng muối khu vực miền Trung. Đầu ra của muối Trà Vinh chủ yếu là bán cho các vựa thủy sản trong tỉnh dùng để ướp cá, chỉ khi nào nguồn muối của các tỉnh trong khu vực khan hiếm, mới có thương lái tìm đến mua. Tính đến thời điểm hiện nay, lượng muối còn tồn trong dân hơn 4.000 tấn, tương đương trên 50% tổng lượng muối sản xuất, nhưng diêm dân vẫn không bán được.


Thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho thấy, hàng năm diện tích diêm nghiệp của huyện Duyên Hải luôn giảm, do ảnh hưởng về đầu ra của sản phẩm. Nếu năm 2010, có 394 hộ dân ở các xã Long Toàn, Long Khánh, Dân Thành và Đông Hải, huyện Duyên Hải canh tác với diện tích trên 300 ha, sản lượng khoảng trên 18,2 nghìn tấn, thì trong năm 2011, diện tích giảm 50 ha, đến nay chỉ còn hơn 250 hộ canh tác trên diện tích 224 ha. Sản lượng hiện chỉ còn khoảng 6 nghìn tấn.

 

Ảnh minh họa


Từ năm 2010, Sở KHCN tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật làm muối sạch sử dụng bạt lót. Mô hình này có 6 hộ ở hai ấp Mù U và Cồn Cù, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải được đầu tư. Mặc dù hiệu quả của mô hình mang lại rất cao, lượng kết muối tăng 30%, thời gian rút ngắn từ 7 – 10 ngày so với sản xuất truyền thống. Nhưng sau gần 3 năm triển khai, mô hình trên không phát triển. Vốn đầu tư cho mỗi mô hình diện tích khoảng 500 m2 là từ 25 – 30 triệu đồng. Thực tế, đây là mức đầu tư khá lớn so với thu nhập của diêm dân, trong khi, ngoài mô hình thí điểm, diêm dân không được hưởng chính sách vay vốn ưu đãi nào của địa phương.


Theo tính toán của các hộ dân làm muối trải bạt, với diện tích đất làm muối khoảng 1 ha, cần từ 1.000 – 1.500 m2 khuôn kết muối, nếu sử dụng lót vải bạt chi phí đầu tư lên tới 70 – 80 triệu đồng. Trong khi đó, diêm dân đa phần là hộ thiếu vốn, sản lượng, giá cả bấp bênh nên không thể có vốn để đầu tư làm muối sạch. Diêm dân Duyên Hải bao đời nay vì thế cứ ở trong vòng luẩn quẩn mặc dù ai cũng biết giá muối sạch từ 47 – 50 ngàn đồng/giạ, mức giá mà diêm dân có thể sống được nhờ muối.


Hiện nay ở Trà Vinh chưa có chính sách đầu tư nào cho người làm muối, nhưng thông tin từ ngành nông nghiệp cho biết, có thể trong thời gian tới tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng làng nghề sản xuất muối truyền thống cho xã Dân Thành. Hy vọng sự ra đời làng nghề sẽ tạo điều kiện cho diêm dân tổ chức lại sản xuất, được hưởng một số chính sách đầu tư từ làng nghề, được chuyển giao công nghệ làm muối sạch, liên kết đầu ra sản phẩm, để nghề truyền thống không bị mai một.

(Theo TTXVN)