Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dược phẩm gây ô nhiễm nguồn nước tại Mỹ

(23:57:38 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Ít nhất 135.500 tấn thuốc đã bị nhiều hãng dược phẩm lớn tại Mỹ xả vào hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân. Vụ việc để lộ những kẽ hở trong cách quản lý tác động môi trường từ các sản phẩm dược của Mỹ.

Ít nhất 135.500 tấn thuốc đã bị nhiều hãng dược phẩm lớn tại Mỹ xả vào hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân. Vụ việc để lộ những kẽ hở trong cách quản lý tác động môi trường từ các sản phẩm dược của Mỹ.

Nhà máy xử lý nước thải Wilmington ở Wilmington, Delaware - nơi các nhà nghiên cứu phát hiện mức tập trung cao của chất codeine trong nước -Ảnh: AP

AP cho biết đã phát hiện vô số thành phần dược phẩm, từ chất kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm đến hormon sinh dục trong các sông, hồ tại Mỹ.  

 

Nếu tính cả những phát hiện gần đây tại Dallas, Cleveland, các hạt Prince GeorgeMontgomery ở bang Maryland thì nguồn nước sạch của ít nhất 51 triệu người dân Mỹ đã bị các loại thuốc làm ô nhiễm. Một số chuyên gia môi trường khẳng định tình trạng nhiễm bẩn này tràn lan khắp mọi nơi.

 

Đủ các loại chất nguy hiểm

 

Điều tra riêng của AP tiết lộ có đến 22 thành phần dược phẩm đang gây ô nhiễm nguồn nước tại Mỹ, trong đó có nhiều loại được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) xác định là hóa chất công nghiệp. Hai loại thường gặp là chất khử trùng phenol và hydrogen peroxide, chiếm tới 92 phần trăm trong tổng số 135.500 tấn dược chất gây ô nhiễm nguồn nước.

 

Cả hai loại đều độc hại cho môi trường. Trong danh sách còn có nhiều loại hóa chất nguy hiểm khác như 4.000 tấn kem tẩy da hydroquinone, 1.500 tấn kháng sinh tetracyline hydrochloride. Các chất này bị xả vào môi trường khi nhân viên các nhà máy rửa thiết bị sản xuất.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, sự tập trung của nhiều loại dược phẩm, cho dù được pha loãng tối đa, cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cá, ếch nhái và nhiều loài thủy sinh khác. Các thí nghiệm cho thấy tế bào cơ thể người không thể phát triển một cách bình thường khi tiếp xúc với nhiều loại dược phẩm trộn lẫn. Các nhà khoa học lo ngại việc tiêu thụ một lúc nhiều loại thuốc, dù chỉ với lượng nhỏ, cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong một thời gian dài.

Một trường hợp đáng chú ý hãng dược Boehringer Ingelheim Inc. tại Columbus, Ohio, từ năm 1995 - 2006 đã thải ra môi trường gần 1,2 tấn chất lithium carbonate - dùng để sản xuất thuốc chữa rối loạn thần kinh, bị coi là độc hại đối với những loại sinh vật không xương sống dưới nước và cá nước ngọt.

 

Tại Denver, một nhà máy của Hãng Upsher-Smith Laboratories khi rửa thiết bị thải ra sông một khối lượng lớn chất warfarin, một dược chất chống đông máu. Tuy nhiên, warfarin cũng là chất độc thường được sử dụng để sản xuất thuốc diệt chuột và thuốc trừ sâu, có tác dụng hủy diệt các loại sinh vật và thực vật dưới nước.

 

Mới đây, Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) và EPA đã thực hiện một số nghiên cứu về nước thải ở các nhà máy dược. Kết quả khảo sát của USGS cho thấy nước thải đã qua xử lý từ các nhà máy xử lý nước thải phục vụ các nhà máy dược đều có cặn dược chất rất cao.

 

Còn kết quả khảo sát của EPA lại cho thấy mức độ tập trung cao của một loại kháng sinh trong nước thải đã qua xử lý của một nhà máy dược lớn ở Michigan.

 

Các hãng dược lập lờ

 

AP dẫn lời ông Alan Goldhammer, Phó Chủ tịch Tổ chức các Nhà Sản xuất&Nghiên cứu Dược phẩm Mỹ, thừa nhận một số loại cặn dược chất có thể bị xả ra môi trường theo nước thải. Tuy nhiên, ông Goldhammer khẳng định chúng “không gây ra các vấn đề môi trường do không phải là độc chất ở mức đã xả ra”.

 

Dù vậy, khi được hỏi liệu đã kiểm tra chất lượng nước thải hay chưa và phát hiện thấy gì, các hãng dược lớn đều trả lời lập lờ, né tránh cho rằng “các nhà máy sản xuất dược phẩm không phải là nguồn các loại dược chất gây nguy hại cho môi trường” - Hãng GlaxoSmithKline tuyên bố.

 

Hãng Pfitzer khẳng định các biện pháp kiểm soát và xử lý ở các nhà máy của hãng này là đủ khả năng bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, đó lại là kết quả xét nghiệm nước thải ở một số nhà máy bên ngoài nước Mỹ.

 

Trong khi đó, người phát ngôn EPA tuyên bố cơ quan này không chịu trách nhiệm đối với những gì xuất hiện trong nước thải của các nhà máy dược. Quan chức EPA cho rằng dược chất có trong nước xuất phát từ chất thải của người và động vật, và cả từ việc người sử dụng thường vứt thuốc vào toilet. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc chính quyền phải nghiêm túc đánh giá lại tác động môi trường của các nhà máy dược.

 

“Hoàn toàn hợp lý khi chúng ta muốn tìm ra những gì được xả ra khỏi các nhà máy đó” - nhà khoa học Jennifer Sass thuộc Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) khẳng định.

 

Theo AP, nhìn chung các hãng dược phẩm tại Mỹ không phải nộp lên chính quyền bản đánh giá tác động môi trường của các sản phẩm dược mới, và Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chưa từng bác bỏ một loại thuốc nào dựa trên nguy cơ môi trường.

 

Hơn nữa, EPA chưa từng kết luận liệu dược phẩm có tác động tiêu cực đến môi trường hay không, do đó các hãng dược chưa hề phải công bố về lượng dược chất xả ra môi trường. “Các hãng dược chẳng muốn tốn tiền và thời gian thực hiện các biện pháp mà chính phủ không yêu cầu - ông Ajit Ghorpade, chuyên gia môi trường từng làm việc cho nhiều hãng dược lớn, nhận định - Giống như việc người ta hỏi tôi tại sao lại không đi một chiếc xe thân thiện với môi trường vậy. Tại sao tôi lại phải làm thế khi điều đó không bị bắt buộc?”.

 

(Theo Tuổi Trẻ)