Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những lưu ý với mẹ sinh mổ

(03:37:51 AM 01/07/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Hỏi: Xin anh/chị cho em hỏi, em chuẩn bị sinh em bé đầu lòng, khi đi khám thì bác sĩ nói có khả năng em sẽ sinh mổ.Em rất lo lắng, và em muốn biết những lưu ý cho bà mẹ sau khi sinh mổ là gì,em xin chân thành biết ơn?! (Lan Ngọc - Long An)

 

Nằm nghiêng là tư thế phù hợp nhất với những sản phụ sinh mổ. Tuy nhiên, trong vòng 6 giờ đầu sau mổ, bạn đừng gối đầu.

 

Đẻ thường đã phải giữ gìn rất kỹ, sinh mổ càng phải cẩn thận hơn, không chỉ vì cơ thể có vết thương khá lớn, mà còn vì việc sinh mổ không có lợi cho bài tiết sản dịch và phục hồi tử cung.



Tỷ lệ sinh mổ ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn, ngày một cao. Thông thường, sản phụ sẽ được cắt chỉ sau khoảng một tuần, rồi xuất viện. Nhưng chừng nào vết thương chưa lành hẳn, chừng đó bạn còn phải kiêng cữ một cách khoa học, vì những biến chứng xảy ra không chỉ khiến bạn đau đớn, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến em bé đang thời trứng nước của bạn.

 

Tư thế nằm
 

Tư thế nằm ngửa sẽ khiến bạn đau đớn rất nhiều, vì thế nên nằm nghiêng, kê gối sau lưng, tạo với mặt giường một góc khoảng 20 – 30 độ. Tư thế này sẽ giảm tối đa việc tác động đến vết mổ, nhất là khi dịch chuyển cơ thể. Tuy nhiên, bạn vẫn nên lưu ý rằng càng ít cử động thì càng đỡ đau.
 

Trong vòng 6 giờ đầu tiên, cơ thể bạn vẫn còn bị ảnh hưởng của thuốc dùng gây tê màng cứng khi mổ, vì vậy bạn nên nằm duỗi thẳng người, không kê gối, để tránh một tác dụng phụ của thuốc là đau đầu. Sau khoảng thời gian này, bạn vẫn nên nằm nghiêng để giảm đau.
 
 

Những lưu ý với mẹ sinh mổ - 1
Đẻ thường đã phải giữ gìn rất kỹ, sinh mổ càng phải cẩn thận hơn. (ảnh minh họa)

 

Sớm vận động nhẹ

Dĩ nhiên bạn cần nghỉ ngơi sau ca mổ đẻ, nhưng đừng nằm bất động quá lâu kẻo sản dịch sẽ bị ứ lại trong tử cung, không thoát ra được, rất nguy hiểm. Vì vậy sau 1 ngày, bạn nên tập cử động chân tay rồi nhúc nhắc ngồi dậy, xuống giường tập đi. Sự vận động này còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp vết thương mau lành, tăng cường nhu động ruột, giúp nhanh thoát khí, tránh nguy cơ dính ruột và tắc mạch máu.

Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng, người sinh mổ nên tránh vận động mạnh để không ảnh hưởng đến vết thương, bởi sau sinh, các khớp giãn, cơ còn yếu, nhất là cơ vùng bụng vốn bị giãn rất nhiều. Hãy để người nhà giúp đỡ các việc gia đình, đừng cố tự làm nếu muốn nhanh bình phục. Bạn cũng đừng mang vật gì nặng quá trọng lượng của em bé. Đừng lên xuống cầu thang quá nhiều, cũng không tự lái xe, vì việc xử lý những tình huống bất ngờ gặp phải trên đường có thể gây những chấn động mạnh lên vết mổ.
 

Chỉ ăn nhẹ
 

Bạn không được phép ăn gì trong vòng 6 giờ sau mổ vì lúc này, dưới tác động của các thuốc dùng trong ca phẫu thuật, nhu động ruột của bạn đang ở mức rất thấp, đường ruột ứ rất nhiều khí, dạ dày hoạt động yếu. Vì vậy thức ăn đưa vào sẽ rất khó tiêu hóa, gây đầy hơi, táo bón, khiến cơ thể càng mệt mỏi, lâu phục hồi.
 

Sau khoảng thời gian trên, bạn có thể ăn những đồ mềm, lỏng. Canh củ cải được cho là món hợp lý để giúp giải phóng bớt khí trong đường ruột, tăng nhu động. Không nên dùng nhiều chất đường – bột hay các sản phẩm từ đậu tương vì chúng dễ gây đầy hơi. Cũng không nên ăn cá vì nó không có lợi cho sự đông máu sau mổ, khiến vết thương lâu lành.
 

Tình trạng táo bón, đầy hơi thường vẫn tồn tại sau mổ 3 – 5 ngày do ảnh hưởng của thuốc tê, vì thế bạn nên uống nhiều nước để nhanh chóng đào thải chúng. Đừng uống nước lạnh.
 

Chăm sóc vết mổ
 

Hãy “cư xử’ với vết thương đúng như những gì mà bác sĩ căn dặn bạn. Không tự ý bôi thuốc gì lên đó, không thảo bỏ hết găng gạc nhưng cũng đừng băng quá chặt vết mổ, vì tất cả những điều này đều có thể gây viêm nhiễm hoặc làm tăng tổn thương. Sản phụ cũng phải giữ gìn tối đa để tránh bị cảm mạo, cảm cúm, vì khi đó sức đề kháng sẽ giảm và nguy cơ viêm nhiễm sẽ tăng lên.


Hãy nghĩ đến viêm nhiễm và gọi cho bác sĩ ngay nếu vết mổ đau nhiều ngay cả khi không cử động, nhìn có màu hồng, sưng lên. Nên đo thân nhiệt thường xuyên, nếu sốt quá 38 độ C thì rất có khả năng bạn đã bị viêm nhiễm (có thể vết mổ không có dấu hiệu gì đặc biệt nhưng trong tử cung lại “có chuyện” do sản dịch ứ trệ, tử cung kém co hồi),  cần tư vấn bác sĩ.

(Theo Đất Việt)