Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giá cá giảm: DN và người nuôi đều khó
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2012, giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu ổn định so với cùng kỳ 2011, dao động ở mức 23.800-24.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán cá nguyên liệu liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay. Đầu tháng 5-2012, giá cá tra ở mức 23.000-23.500 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn 18.000-22.000 đồng/kg. Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP), cho rằng: Tình hình nuôi và chế biến cá tra đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về vốn. DN thiếu vốn để mua cá nguyên liệu, người nuôi thiếu vốn để tái đầu tư. Nguyên nhân chính khiến các DN không thu mua ngay cả khi giá cá nguyên liệu giảm sâu xuống dưới giá thành sản xuất là do chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng. Trong khi đó, so với cuối năm 2011, 6 tháng đầu năm 2012, các DN thủy sản phải chịu sức ép do các chi phí đầu vào tăng khoảng 40%, riêng chi phí vận tải biển tăng 70%.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex (tỉnh Hậu Giang), cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ khó khăn, các ngân hàng giảm hạn mức cho vay buộc lòng DN phải bán hàng nhanh với giá thấp để trả nợ ngân hàng. Kéo theo đó là các DN cạnh tranh không lành mạnh, tranh nhau bán và bán phá giá. Những căn bệnh này đều là bệnh cũ nhưng do hội lại cùng lúc nên đã đẩy khó khăn của ngành cá tra trở nên trầm trọng hơn. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ, cho rằng: “Tính chu kỳ của ngành cá tra thể hiện rất rõ, có những thời điểm tăng trưởng nhanh và mạnh nhưng đến khi giảm thì lại giảm sâu. Thừa và thiếu nguyên liệu thường xuyên xảy ra là do các hộ nuôi chưa thực sự quan tâm đến vấn đề quản trị nguồn vốn, thiếu thông tin về thị trường. Song song đó, số lượng DN chế biến thủy sản phát triển nóng trong thời gian qua dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh”.
Theo dự báo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng cuối năm 2012, khó khăn của ngành chế biến cá tra là thiếu vốn để thu mua, chế biến lượng cá nuôi với diện tích khoảng 4.300 ha. Điều này nhiều khả năng dẫn đến nguy cơ tồn đọng cá nguyên liệu 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, thiếu vốn tái đầu tư nuôi có thể dẫn đến tình trạng thiếu cá nguyên liệu cho chế biến vào quý I/2013.
Cần “bơm” vốn kịp thời
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện nay Bộ đang đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng thông qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để giải cứu DN và người nuôi cá tra. Gói hỗ trợ sẽ góp phần bổ sung nguồn vốn cho các DN thu mua nguyên liệu, giúp vực dậy giá cá tra và hỗ trợ cho người nuôi để tái sản xuất. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp), cho rằng: “Giải pháp bơm vốn cần phải tiến hành nhanh chóng, đúng thời điểm để đẩy giá nguyên liệu lẫn giá xuất khẩu tăng trên thị trường, tạo lòng tin cho DN, người nuôi cá tra và tạo hiệu ứng tốt đối với khách hàng”. Theo đề xuất của các DN, để gói hỗ trợ phát huy hiệu quả, cần giao về cho các địa phương thống kê nhu cầu vốn căn cứ trên số lượng DN, diện tích nuôi và ngân hàng có trách nhiệm thẩm định, phân bổ vốn hợp lý cho DN. Nguồn vốn này DN sử dụng mua nguyên liệu và trả ngay cho nông dân, giúp nông dân thuận lợi tái đầu tư, giúp DN quay vòng vốn nhanh.
Theo các chuyên gia, trong tình thế cấp bách, giải pháp bơm vốn nhanh để vực dậy giá cá tra nguyên liệu là điều cần thiết. Song, về lâu dài cần có những gói giải pháp dài hạn nhằm tổ chức lại ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, quy định giá sàn xuất khẩu, quy hoạch diện tích nuôi để đưa ra dự báo chính xác về cung cầu thị trường... Các DN cũng đề xuất xem xét lại việc cho xây dựng thêm nhà máy chế biến mới và chỉ ưu tiên cho các DN có thể chứng minh được tiềm lực tài chính, có nguồn nguyên liệu và có thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, cần tính toán nhu cầu thị trường và đưa ra dự báo chính xác diện tích nuôi, sản lượng tiêu thụ, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi lẫn DN.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tập trung giải quyết khó khăn trước mắt về vốn cho ngành cá tra. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét đề xuất Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tín dụng để kịp thời hỗ trợ cho các DN xuất khẩu cá tra và người nuôi cá. Để điều phối giữa sản xuất và chế biến, cần sớm thành lập Hiệp hội cá tra để phối hợp với VASEP cân đối và điều tiết cung cầu nguyên liệu. Về lâu dài, cần tổ chức lại ngành hàng cá tra trên cơ sở các DN nỗ lực cùng Chính phủ mở rộng thị trường quốc tế, kiên quyết chống tình trạng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, từng bước nâng cao uy tín, chất lượng của ngành hàng xuất khẩu mang tính chiến lược quốc gia này.