Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Do nước biển dâng cao, một số công trình ngăn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lúng túng trong vận hành, gây ra nhiều thiệt hại.
Những gia đình ở bên sông lớn vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ảnh: Sáu Nghệ |
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Biên (Ngã Năm, Sóc Trăng), ông Phạm Khắc Điệp, bức xúc: “2.500 ha lúa mới xuống giống 20 – 30 ngày có nơi cháy rụi mất rồi vì nước mặn, có hôm lên đến tám phần nghìn. Mặn năm nay, chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ”.
Trưởng phòng Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Ngã Năm Nguyễn Văn Tiên bức xúc: “Đợt mặn vừa rồi chúng tôi không được tỉnh Bạc Liêu thông báo nên không kịp đối phó. Toàn huyện Ngã Năm có khoảng 10.000 ha lúa hè thu đã xuống giống bị hư hại vì nước mặn. Bên cạnh, khoảng 5.000 ha chưa xuống giống được, có khả năng phải bỏ hoang”.
Ở tỉnh Hậu Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Văn Đại, than thở: “Thị xã tỉnh lỵ Vị Thanh 23 năm mới lại bị mặn nặng nề, không còn nước ngọt cho nhà máy cấp nước. Bên cạnh, hơn 18.000 ha lúa bị ảnh hưởng”.
Tại tỉnh Bạc Liêu, đã có 25 ha lúa chết trắng. 5.000 ha khác đang bị uy hiếp vì độ mặn trên kênh nội đồng đến chín phần nghìn.
Mới đây, đại diện ba tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu phải họp dưới sự chủ trì của Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang cho rằng, do tỉnh Bạc Liêu vận hành hệ thống cống ngăn mặn lúng túng. Cho nên các năm trước, mặn cũng xâm nhập nhưng không gay gắt như năm nay.
Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác thủy nông tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Minh giải thích: Thời điểm Bạc Liêu lấy nước vào chuẩn bị nuôi tôm, đúng đợt triều cường ở biển Tây, nên nước mặn xâm nhập sâu vào Sóc Trăng và Hậu Giang. Sau đó, cống Giá Rai xổ mặn lại bị hư hai trong ba cửa nên không thoát nước kịp, khiến nước mặn xâm nhập kéo dài.
Thiếu ngọt, mặn dâng cao
Ở tỉnh Trà Vinh có nhiều cống ngăn mặn, xổ phèn, việc phát huy hiệu quả còn nhiều hạn chế, nhất là khi nước biển dâng cao mà kênh dẫn ngọt lại thiếu.
Cống Láng Thé ở hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít nhằm ngọt hóa cho gần 180.000 ha đất nông nghiệp của huyện Châu Thành, Càng Long và thị xã Trà Vinh. Quyền Trưởng phòng NN&PTNT huyện Càng Long cho biết: “Cống đã ngăn mặn, xổ phèn cho hơn 14.000 ha lúa ở Càng Long nhưng còn hơn 10.000 ha cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản thì chưa được hưởng lợi. Bởi khi đóng cống, không nuôi trồng thủy sản được, mùa khô lại thiếu nước tưới cây”.
Cống Cần Chông ở xã Tân Hòa (Tiểu Cần, Trà Vinh) đưa vào sử dụng hơn một năm nay. Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đặng Quốc Khởi vui vẻ nói: “Hơn 1.500 ha đất nhờ ngăn mặn nên làm lúa năng suất tăng thêm cỡ 20 phần trăm”.
Liền đó, Chủ tịch Khởi lại buồn khi cho biết, nước ngọt đầu nguồn trong mùa khô vẫn còn thiếu vì thiếu kênh cấp 2. “Còn khi đóng cống để ngăn mặn thì do nước biển dâng cao, triều cường lại làm cho nhiều hộ dân bên ngoài cống bị ngập trong nước mặn sâu hơn trước kia”.
(Theo Tiền Phong)