Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Dự án thứ nhất, kéo dài từ tháng 6/2012 đến tháng 5/2015, nghiên cứu sự tương tác giữa ô nhiễm không khí và khí hậu sẽ do các nhóm nghiên cứu hàng đầu của Đông Nam Á và Hoa Kỳ thực hiện.
Mục đích của dự án là đánh giá tác động của các biện pháp giảm nhẹ các nhân tố khí hậu tạm thời quan trọng trong khu vực Đông Nam Á đối với chất lượng không khí và khí hậu để xây dựng cơ sở khoa học đưa ra những khuyến nghị nhằm lồng ghép các vấn đề chất lượng không khí và khí hậu vào hoạch định chính sách.
Nhóm tham gia nghiên cứu gồm nhà khoa học Nguyễn Thị Kim Oanh ở Học viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam; Hoàng Xuân Cơ, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội; Asep Sofyan ở Học viện Công nghệ Bandung (Indonesia); và Nguyễn Tri Quang Hưng, ĐH Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Đối tác Hoa Kỳ là Philip Hopke ở ĐH Clarkson.
Chương trình thứ hai kéo dài từ nay đến hết tháng 5/2015 có mục tiêu là tìm hiểu các khoản chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái (chẳng hạn như cácbon) ảnh hưởng như thế nào đến việc thay đổi quyết định về sử dụng đất của các hộ gia đình ở các khu vực có rừng. Ngoài ra, dự án cũng sẽ đánh giá liệu các quyết định về sử dụng đất làm tăng hay giảm mức độ dễ bị tổn thương về xã hội và lý sinh đối với những biến đổi khí hậu được dự báo trước.
Nhóm phụ trách nghiên cứu gồm Lê Thị Vân Huệ, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội. Đối tác Hoa Kỳ là nhà khoa học Pamela McElwee ở ĐH Rutgers.
Đây là các khoản tài trợ hợp tác nghiên cứu đợt đầu tiên của chương trình để hỗ trợ và xây dựng năng lực khoa học và kỹ thuật tại các nước đang phát triển trong khuôn khổ Chương trình Quan hệ Đối tác nhằm Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu (PEER) vừa được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF) công bố.
PEER là một chương trình tài trợ nghiên cứu cạnh tranh do USAID tài trợ và được Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) phối hợp với Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ chịu trách nhiệm quản lý.