Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vào vụ thu hoạch cà phê. Ảnh: BT
Vụ cà phê năm nay, theo dự báo, năng suất cà phê Đà Lạt sẽ giảm sút do trong hơn một tháng qua, khi cây cà phê đang kỳ ra hoa kết trái thì gặp mưa. Dự báo trong vụ tới, năng suất cà phê Đà Lạt giảm khoảng 40%. Tại Xuân Trường, trong hơn 1.000 ha cà phê (chủ yếu là arabica), có khoảng 700 ha bị giảm năng suất từ 40%-70% so với các năm. Tại Cầu Đất, tỷ lệ mất mùa có thấp hơn nhưng vẫn ở mức đáng lo ngại. Bên cạnh đó, theo báo cáo của UBND huyện Lạc Dương (địa phương cận kề TP Đà Lạt), không những năng suất cây cà phê nói chung có giảm mà diện tích cà phê arabica của địa phương này cũng hao hụt một cách đáng kể bởi người dân dần chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Ông Lê Thanh Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Lát (Lạc Dương) - cho biết: “Ngoài Xuân Trường và Cầu Đất thuộc TP Đà Lạt thì cây cà phê arabica còn có “đất đứng” là vùng xã Lát, Đạ Sar… của huyện Lạc Dương. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, do hiệu quả kinh tế mang lại không cao hơn so với một số cây trồng khác nên nhiều hộ đã chuyển vườn cà phê arabica của mình sang trồng các loại cây trồng khác”.
Trong lịch sử, vùng cà phê Đà Lạt khá nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả thế giới: Hương thơm quyến rũ của cà phê arabica Cầu Đất, hương vị đậm đà của cà phê robusta Đạ Sar (Lạc Dương), hương vị dịu dàng của cà phê moka Xuân Thọ… Ở Lâm Đồng, Đà Lạt và vùng phụ cận Lạc Dương không phải là vùng trọng điểm cà phê nhưng đây là “đất” của những giống cà phê làm nên thương hiệu cà phê Lâm Đồng. Nói đến cà phê Lâm Đồng, người ta thường nghĩ ngay đến vùng cà phê Di Linh (đã được cấp nhãn hiệu độc quyền), vùng cà phê Lâm Hà… Tuy nhiên, nói về chất lượng cà phê mang tính “vùng miền” thì thế giới lại biết đến “cà phê Đà Lạt” nhiều hơn. Bởi lẽ, theo các chuyên gia cà phê thì không nơi nào ở Việt Nam có chất lượng cà phê ngon hơn cà phê Đà Lạt bởi đặc điểm riêng biệt của một vùng đất như Đà Lạt (về độ cao, sương mù, thổ nhưỡng, nhiệt độ…). Ở Việt Nam, có nhiều vùng đất đã làm nên “hương vị cà phê” nổi tiếng như cà phê Buôn Ma Thuột có vị đắng dịu, cà phê Khe Sanh (Quảng Trị) với vị thơm nồng, cà phê Chư Sê (Gia Lai) nồng như có “lửa”, cà phê Long Khánh (Đồng Nai) với hương nồng đậm… nhưng không nơi nào đạt đến độ “quý phái và sang trọng” như cà phê Đà Lạt.
Lâm Đồng là một trong những vùng cà phê trọng điểm của cả nước. Lâm Đồng cũng là địa phương được cấp nhãn hiệu cà phê độc quyền là cà phê Di Linh. Nhưng, khi nói về chất lượng cà phê thì Đà Lạt lại là “nhãn hiệu” cà phê được thế giới biết đến nhiều hơn. Ấy nhưng, trong cơ cấu kinh tế, cà phê lại là thứ cây trồng không được chú trọng một cách đúng mức của TP Đà Lạt và cả vùng phụ cận Lạc Dương. Năm nay, theo dự báo, do cà phê mất mùa và vì một vài loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn nên nhiều nông dân Đà Lạt và Lạc Dương sẽ chuyển đổi nhiều diện tích cà phê arabica sang trồng các loại cây trồng khác là vấn đề đáng quan tâm. Tuy Đà Lạt chỉ có vài ngàn hecta trong tổng số 140.000ha cà phê của tỉnh nhưng giống cà phê Đà Lạt lại là một “nhãn hiệu” nổi tiếng trên thế giới nên đây là điều rất đáng quan tâm, nhất là trong lúc loại cây trồng này đang “thoái trào”.