Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Và người dân sống ven sông cũng đang bị dòng sông ô nhiễm "bức tử". Họ phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, đồng thời mắc các bệnh do dùng nước ô nhiễm như đau mắt, da liễu, hô hấp và cả bệnh ung thư.
Sông gieo họa cho người
Xã Đại An của huyện Vụ Bản là điểm đầu tiên sông Trần Văn Tiếp đi qua, với chiều dài triền sông hơn 10km. Sông kề cận nhưng 2.050 hộ với 7.732 khẩu của xã luôn thiếu nước.
Bà Phạm Thị Điệt ở thôn An Cự, cách dòng sông gần 3km, chỉ vào chiếc bể nước mưa hơn 1m3 cho biết: "Gia đình tôi có bốn người, nước ăn quanh năm trông vào bể nước mưa này, rửa ráy, tắm giặt phải dùng giếng khoan, lọc rồi mà giặt quần áo vẫn ố vàng, nếu nấu cơm, luộc rau thì không ăn nổi".
Anh Phùng Đình Sự (xóm Chợ, An Duyên) có nhà nhìn ra sông Trần Văn Tiếp than thở: "Nước sông ở đây đen đặc, mùi nồng nặc, không ai dám thò chân xuống chứ đừng nói tắm rửa, giặt giũ. Các giếng khoan, giếng đào gần sông bị ngấm nước sông nên lọc thế nào cũng vẫn đỏ và có mùi, không dám rửa rau, vo gạo nên phải dùng nước mưa. Mấy lần tôi gọi bán nhà nhưng khi nhìn xuống sông là khách đã bỏ đi...".
Bác sĩ Vũ Văn Đảng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đại An, cho biết năm 2008, trạm đón hơn 9.000 lượt bệnh nhân, trong đó bệnh về da liễu như ghẻ, ngứa, viêm da là 1.350 người, bệnh về mắt trên 400 người. Riêng bệnh về đường hô hấp tăng đột biến, tới trên 2.700 người, chiếm 30 phần trăm.
Tỷ lệ người chết vì bệnh ung thư tại xã Đại An cũng đang tăng bất thường. Năm 2006, tỷ lệ chết do ung thư là 18 phần trăm, năm 2007 là 20 phần trăm và năm 2008 tăng lên tới 22 phần trăm. Có nhiều nguyên nhân gây ra ung thư, nhưng có một thực trạng đáng suy nghĩ là 22 trong 24 giếng được kiểm tra bị nhiễm asen trong đó bảy giếng có nồng độ nguy hiểm bắt buộc phải lấp.
Không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, ô nhiễm sông còn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Khi bơm nước sông vào đồng, sáng hôm sau cá chết nổi trắng bụng, lúa cũng có hiện tượng chết hàng loạt. Nhiều hộ ven sông đã bỏ nghề chài lưới, vì đánh quét cả ngày đêm cũng chỉ được vài cân.
Ngoài xã Đại An, những xã lân cận của huyện Vụ Bản có nhánh sông Trần Văn Tiếp rẽ vào cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hợp Hưng Triệu Huy Đậu cho biết: "Chỉ vài hộ khá giả bỏ tiền mua nước máy chở từ thành phố xuống với giá hơn 200.000 đồng 1 téc gần 2 khối, còn lại đều dùng bể nước mưa và bể lọc để lọc nước giếng, nước sông để dùng. Họp dân lần nào cũng nói đến vấn đề thiếu nước".
Tại xã Liên Bảo, thấy rõ sông bị nhiễm bẩn nhưng dân hàng ngày vẫn phải gánh nước về lọc vì nước mưa có hạn, nước giếng cũng ô nhiễm nặng.
Theo số liệu của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Nam Định, do không có nước máy, có đến gần 7 vạn người dân trong huyện Vụ Bản đang phải sinh hoạt bằng nguồn nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Kết quả kiểm tra cho thấy có tới 3 phần trăm số giếng bị ô nhiễm nhẹ, 1 phần trăm bị ô nhiễm trung bình và 1,4 phần trăm bị ô nhiễm nặng về asen.
Người bức tử sông
Ông Trần Văn Tự, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đại An, cho biết tình trạng trên chỉ xảy ra từ khi khu công nghiệp Hòa Xá và cụm công nghiệp An Xá đi vào hoạt động.
Toàn bộ nước thải của hai khu, cụm công nghiệp này được đổ thẳng ra sông, kênh, trong đó sông Trần Văn Tiếp hứng chịu gần một nửa. Do đó, mỗi năm sông càng bị ô nhiễm hơn.
Người dân và chính quyền xã Đại An cũng như nhiều xã khác đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành, trước mắt đề nghị cấp nguồn nước máy cho nhân dân để tránh phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nhưng tình hình chưa có gì chuyển biến.
Cách đây hai năm, dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đưa 3 xã Đại An, Liên Bảo, Hợp Hưng vào dự án với trạm cấp nước liên xã trị giá trên 60 tỷ đồng và các hạng mục liên quan. Hơn 82 phần trăm dân xã Đại An, 91 phần trăm dân xã Hợp Hưng, gần 90 phần trăm dân xã Liên Bảo đã đăng ký tham gia đóng góp và mua nước. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hợp Hưng bày tỏ: "Ủy ban Nhân dân xã chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí dự án đòi hỏi, dân sẵn sàng nộp tiền, không hiểu dự án tắc ở khâu nào?".
Việc xử lý nguồn nước thải từ hai khu, cụm công nghiệp và những cơ sở sản xuất bên sông cũng không có gì thay đổi. Và thế là hàng ngày, sông vẫn bị các doanh nghiệp bức tử và sông lại bức tử trở lại người dân các xã ven sông.