Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một nhóm chuyên gia của Đại học Kyoto, Nhật Bản tới đảo Yakushima để tìm hiểu quan hệ cộng sinh giữa khỉ macaque và hươu Sika. Vào năm 2004, nhóm nghiên cứu từng thấy hươu nhặt quả bên dưới những cây long não mà khỉ leo trèo. Lần này họ muốn biết tại sao hươu có thể bám theo khỉ macaque tới những nơi có thức ăn, BBC đưa tin.
Một con khỉ macaque và con hươu Sika trên đảo Yakushima. Hai loài này
thường xuyên hỗ trợ nhau trong việc phát hiện động vật săn mồi từ xa.
Quả long não là món ăn ưa thích chung của cả hươu Sika và khỉ macaque trên đảo Yakushima.
Mỗi khi phát hiện thức ăn, khỉ macaque luôn thông báo cho đồng loại bằng những tiếng kêu đặc trưng. Nhóm nghiên cứu ghi âm những tiếng kêu đó rồi phát lại qua loa. Khi nghe thấy âm thanh của khỉ từ loa, ngay lập tức lũ hươu sẽ tới gần. Nhưng nếu loa im lặng, lũ hươu lại biến mất. Điều đó cho thấy âm thanh mà khỉ phát ra mang lại lợi ích gì đó cho hươu.
"Đây là một bằng chứng rõ ràng về khả năng giao tiếp giữa hai loài động vật khác nhau. Dường như lũ hươu nghe lỏm câu chuyện của lũ khỉ để có thể tìm những cây long não dễ dàng hơn", tiến sĩ Hiroki Koda, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định.
Koda cho rằng có thể hươu Sika phân biệt được âm thanh liên quan tới cây long não với âm thanh liên quan tới các loại trái cây khác. Do đó, mỗi khi đàn khỉ gọi nhau tới cây long não, hươu Sika sẽ nhận ra tiếng kêu đó và bám theo.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành Behavioural Processes.