Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hủ tục sinh đôi bỏ một

(11:32:16 AM 25/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Bé thứ hai trong cặp song sinh của chị Siu Klơng bị cách ly cha mẹ gần một năm. Cháu từng bị gửi đến nơi khác nuôi dưỡng, để tránh hủ tục "sinh đôi là ma ám nên phải giết đứa em" của làng này.

 

Theo quan niệm của đồng bào Bahnar, J’rai ở thôn Dơ Bang, người phụ nữ sinh đôi, sinh ba là một nỗi kinh hoàng. Họ cho rằng các cháu sinh đôi là do trời phạt, nghĩa là bị ma ám mới sinh nở như vậy, nếu còn sống thì sẽ làm khổ bố mẹ, dân làng… Do đó cháu bé ra đời đầu tiên trong đôi sẽ được giữ lại, bé thứ hai phải bị bỏ đi. Kết quả, nhiều đứa trẻ vừa mới sinh ra đã bị bỏ vào rừng hoặc bị chính ông, bà, cha đẻ của mình đem đi chôn sống ngoài rừng để con ma không biết cách quay về quấy phá.

 

Hủ tục đó đã khiến nhiều sinh linh vừa cất tiếng khóc chào đời đã đối diện với cái chết chỉ vì thấy mặt trời sau anh hay chị mình.

 

Vợ chồng Siu Klơng và hai đứa con sinh đôi suýt mất đi một vì hủ tục của làng. Ảnh: Tùy Phong.

Vợ chồng Siu Klơng và hai đứa con sinh đôi suýt mất đi một vì hủ tục của làng. Ảnh: Tùy Phong. 


Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra một bé gái, cứu sống cả hai mẹ con. Biết tin, mẹ chồng Siu Klơng bỏ về làng báo lại sự việc với người thân và dân làng biết, tổ chức cúng bái trừ tà đuổi ma. Sau gần một tuần nằm ở bệnh viện, Siu Klơng bế con về nhà, bị gia đình nhà chồng dọa nếu không giết đứa bé thì đừng về và sẽ giết luôn cả hai mẹ con. Nhiều người trong làng cũng nhất quyết bảo gia đình phải bỏ bớt đi một trong hai đứa bé.
Cách đây hơn một năm, chị Siu Klơng ở thôn Dơ Bang sinh đứa con thứ hai là con gái. Theo quan niệm của người J’rai, con gái được coi trọng hơn con trai và là tài sản quý trong nhà, do đó cả nhà tổ chức cúng bái ăn mừng. Song đến hôm sau, Siu Klơng vẫn đau quằn quại và ra máu liên tục, được gia đình đưa đến bệnh viện huyện Chư Prông trong tình trạng nguy kịch. Các y bác sĩ phát hiện trong bụng chị vẫn còn một đứa trẻ nữa.

 

Siu Droch - chồng Siu Klơng rất thương vợ con. Anh quyết liệt phản đối việc giết chết một đứa con do vợ mình rứt ruột đẻ ra, song một mình anh không chống lại được hủ tục lạc hậu đã tồn tại từ nghìn đời của dân làng.

 

Sự việc được báo lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông, đơn vị này lập tức cử cán bộ đến tuyên truyền, vận động gia đình anh Siu Droch rằng sinh đôi là việc hết sức bình thường, tự nhiên. Thấm lời cán bộ, để cứu sống con, Siu Droch âm thầm động viên vợ bế đứa con còn đỏ hỏn đến nhà bố mẹ Siu Klơng thuyết phục ông bà nuôi hộ. Bố Klơng gật đầu ưng thuận.

 

Từ ngày đứa bé được ông bà ngoại nhận nuôi, hàng ngày khi thì Siu Droch sang thăm con, khi thì Klơng trốn bố mẹ chồng sang cho con bú. Đứa bé dần dần lớn lên trong những cơn khát sữa và thèm hơi ấm của mẹ, song mỗi lần có ai hỏi về đứa bé, gia đình Siu Droch đều vẫn rất sợ hãi.

 

Anh trai Siu Droch kể rằng, khi biết vợ Droch sinh đôi, cả dòng họ buồn và lo lắm. Gần cả tháng trời nhà lúc nào cũng rất đông người vào ra và bàn tán về hai đứa trẻ. "Từ ngày được cán bộ tuyên truyền, ngày ngày mình được phân công ở nhà để nói với bà con rằng hai đứa trẻ này sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, chúng kháu khỉnh và khỏe mạnh chẳng có gì khác biệt với việc sinh một cả".

 

Ông Siu Íp, trưởng thôn Dơ Bang chia sẻ từ trước đến giờ chưa có trường hợp nào đứa trẻ sinh đôi thứ hai được sống như thế này xảy ra trong thôn. Nhưng nhìn hai con bé kháu khỉnh thế kia, người ngoài còn thương nói gì ruột rà máu mủ. "Trước đây, dân làng rất sợ những cặp song sinh, nhưng giờ đây từ chuyện con Siu Droch, chúng tôi sẽ không bỏ đứa bé nữa", ông trưởng thôn nói.

 

Bà Lê Thị Hải Yến, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông cho biết, từ ngày nhận công tác ở phòng đến nay bà nghe hàng chục trường hợp trẻ song sinh đẻ trong nhà hay nương rẫy đã bị giết đi một.

 

"Hủ tục này vốn đã tồn tại từ nhiều đời nay. Tôi cảm thấy dường như mình có tội với những đứa trẻ xấu số vì chính quyền và đoàn thể đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động song kết quả vẫn không được như mong muốn", bà Yến chia sẻ.

 

Gia đình Siu Droch cũng làm giấy cam kết là sẽ không giết một trong hai đứa bé nữa mà sẽ chăm sóc các cháu thật chu đáo. Thế là đến hơn một tuổi, đôi song sinh mới được đoàn tụ, cả hai cháu bé đều khỏe mạnh và rất dễ thương, trở thành cặp sinh đôi đầu tiên được sống của thôn.


(Theo Tùy Phong - VNE)