Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Từ nắm đất, những nghệ nhân, thợ giỏi với bàn tay vàng, khối óc sáng tạo, miệt mài lao động đã tạo ra những sản phẩm vô cùng độc đáo và giá trị, làm nên thương hiệu mới cho làng nghề nghìn tuổi này.
Nguyễn Thùy Dương và “kho báu” tượng La Hán trên chất liệu gốm sứ.
Mới ở cái tuổi 29 nhưng Nguyễn Thùy Dương, thôn Giang Cao, xã Bát Tràng đã sở hữu một "kho" tượng gốm đặc sắc với hàng trăm mẫu tượng phật. Anh cho biết, là người con của làng nghề truyền thống, được làm quen với nghề từ nhỏ, học xong phổ thông, Dương đã chọn lập nghiệp từ nghề này. Với suy nghĩ, xu thế phát triển của xã hội, đất nghề mỗi người một thế mạnh, phải tự tìm tòi, tạo ra sự khác biệt trong nghề, Dương đã lựa chọn một hướng đi khá riêng biệt và "khó nhằn", đó là sản xuất gốm sứ mỹ nghệ phong thủy, đồ thờ, tượng gốm phục vụ trang trí các công trình đình, chùa. Công việc ban đầu không hề đơn giản. "Để làm được điều này cần có vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, phải nghiên cứu kỹ sách vở rồi đi thực tế tại các chùa cổ để quan sát, tìm hiểu thế giới tượng phật". Không giống với tượng gỗ, tượng sứ phải tính toán độ chịu lực để khi nung không làm biến dạng sản phẩm. Trong khi đó, sản phẩm của Dương thường có kích thước lớn, có pho tượng cao gần 2m, nhiều đoạn phức tạp, khi nung ở nhiệt độ cao dễ bị biến dạng. Bởi vậy mà có nhiều bức tượng sau hàng chục lần thất bại mới thành công. Đến nay, xưởng sản xuất gốm của Dương có quy mô 500m2, doanh thu đạt 7-8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 6-10 triệu đồng/tháng.
Ở Bát Tràng, tìm những nghệ nhân, thợ giỏi có những sản phẩm "độc" từ gốm như Dương không hiếm. Chúng tôi được người làng giới thiệu gặp nghệ nhân Trần Văn Độ, người được mệnh danh là "vua men gốm" Bát Tràng, đang sở hữu hơn 70 bài men khác nhau. Ông là tác giả của 80 món quà tặng, gồm những sản phẩm phục cổ, giả cổ, trong đó có một chiếc bình rượu cổ triều Mạc mà Văn phòng Chính phủ đặt làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2004. Một năm sau đó, ông là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với 10 sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Độ đã cho ra mắt phiên bản Rùa Hồ Gươm bằng gốm, nặng gần 4 tấn, được nung ở nhiệt độ 1.300 độ C. Ông cũng là người có công phục chế viên gạch sưởi ấm mà Bác Hồ đã dùng tại nhà số 9, ngõ Compoint, Paris năm 1921-1923...
Tranh gốm sứ cũng là mặt hàng cũ nhưng gần đây được nhiều nghệ nhân tạo nên những nét mới, lạ. Chủ cơ sở sản xuất gốm sứ Việt Lan Lê Xuân Việt cho hay, xưa kia, các nghệ nhân Bát Tràng đã từng làm tranh gốm, nhưng kích thước tranh thường nhỏ và số lượng không nhiều, chủ yếu phục vụ vua chúa, quan lại. Từ cuối năm 1990 đến nay, thợ trẻ làng nghề đã sáng tạo, rồi kết hợp giữa các mẫu tranh truyền thống với một số dòng tranh hiện đại, cho ra đời sản phẩm tranh gốm sứ đa dạng, phong phú và gần gũi với cuộc sống. Đến nay, tranh gốm sứ đã trở thành một trong những mặt hàng mũi nhọn của làng nghề.
Trước những tác động của kinh tế thị trường, bản sắc gốm Bát Tràng đã ít nhiều bị mai một. Không ít lò gốm thay vì sản xuất các mặt hàng truyền thống, đã chuyển sang nhập hàng bán hoặc làm những mặt hàng lai căng. Nhiều hộ còn lập lờ nhập khẩu từ nước ngoài hoặc được thu mua từ các làng gốm khác trong nước về in nhãn Bát Tràng, khiến khách hàng không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Sự tìm tòi, sáng tạo, tìm ra hướng đi mới cho gốm của đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi trong xã đã và đang tạo ra hình ảnh mới cho gốm Bát Tràng.