Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trong thực tế, thực vật được biết đến có nhiều giác quan mà con người sở hữu: chúng có thể cảm nhận được những biến động về mức độ ánh sáng, "ngửi" được các hóa chất trong không khí và "nếm" chúng trong đất. Thậm chí, chúng còn sở hữu khả năng xúc giác để phát hiện sự rung lắc từ những cơn gió mạnh.
Song, tuyên bố gây tranh cãi nhất là thực vật có thể nghe được, một ý tưởng có từ thế kỷ 19.
Kể từ đó đến nay, chỉ một số ít nghiên cứu khẳng định thực vật phản ứng với âm thanh, cổ xúy cho những nhận định nghe có vẻ phi thực tế rằng trò chuyện với cây sẽ giúp chúng tăng trưởng.
|
Theo trang tin New Scientist, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tây Úc do chuyên gia Monica Gagliano chủ trì đã cho hạt ớt tiêu (Capsicum annuum) vào 8 chiếc đĩa được xếp thành vòng tròn quanh một cây tiểu hồi hương (Foeniculum vulgare). Loài cây này giải phóng các hóa chất vào không khí và đất để làm chậm sự tăng trưởng của những cây trồng khác.
Ở một số thiết lập (set-up), cây tiểu hồi hương được bỏ trong hộp kín để ngăn hóa chất tiếp cận với hạt giống ớt. Các thử nghiệm khác cũng sử dụng hộp nhưng không có tiểu hồi hương bên trong. Ở mỗi trường hợp, toàn bộ thiết lập được bịt kín bằng hộp cách âm để ngăn chặn sự can thiệp của những tín hiệu bên ngoài.
Đúng như dự đoán, các hạt giống ớt tiếp xúc với tiểu hồi hương nảy mầm chậm hơn khi không có mặt cây tiểu hồi. Điều ngạc nhiên là khi tiểu hồi có mặt nhưng bị bịt kín thì hạt ớt nảy mầm nhanh hơn cả. Các nhà nghiên cứu đã lặp lại thử nghiệm với 2.400 hạt giống ớt ở 15 hộp và thu được kết quả tương tự, cho thấy những hạt giống này đã phản ứng đáp lại một dạng tín hiệu nào đó.
Bà Gagliano tin rằng các hạt giống ớt đã dự đoán sự xuất hiện của các hóa chất vốn làm chậm sự tăng trưởng của chúng. Để đối phó, chúng trải qua một sự tăng trưởng bứt phá. Do chiếc hộp bao quanh tiểu hồi hương đã ngăn chặn những tín hiệu hóa chất, nên bà Gagliano tin rằng tín hiệu âm thanh có thể đã can dự vào quá trình này.
Trong một thí nghiệm khác, hạt ớt trồng cạnh một cây ớt bịt kín cũng tăng trưởng khác hơn so với các hạt giống khác, nghĩa là có một dạng "ra hiệu" nào đó giữa 2 đối tượng.
Chuyên gia Richard Karban thuộc Đại học California - Davis (Mỹ) nhận định rằng dù nghiên cứu vẫn ở giai đoạn sơ khai nhưng kết quả rất đáng theo đuổi. Nó khẳng định thực vật có một phương tiện giao tiếp chưa từng được xác định dù chưa rõ phương tiện đó là gì.
Một câu hỏi quan trọng là liệu những chiếc hộp quanh cây tiểu hồi hương có thực sự ngăn cản được tất cả các tín hiệu được biết đến hay không. Đây là điều các nhà thực vật học chắc chắn cần phải nghiên cứu thêm.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san PloS One số mới nhất.