Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giá treo cao
Khảo sát của phóng viên tại nhiều chợ đầu mối rau củ quả như chợ Long Biên, chợ Dịch Vọng..., cho thấy một số mặt hàng rau xanh đã tăng giá đáng kể, có loại tăng giá đến 30-40% so với tháng 5. Giải thích điều này, các chủ hàng cho biết, do mưa nhiều, kéo dài, cho nên rau bị hỏng nhiều, lượng rau cung ứng cho Hà Nội giảm hẳn.
Giá các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... tuy không tăng mạnh như giá rau, nhưng vẫn không có xu hướng giảm. Thịt bò vẫn giữ giá bán cao tương đương dịp Tết vừa qua, từ 160.000 đến 230.000 đồng/kg. Thịt lợn dao động từ 80.000 đến 110.000 đồng/kg tùy loại.
Tại các siêu thị, giá bán vẫn chiếu theo bảng giá niêm yết cách đây 1 tháng. Quầy hàng hoa quả, rau xanh tại siêu thị trưa 22.6 được nhiều bà nội trợ chú ý. Tuy nhiên, phần lớn đều cho rằng, giá đang đứng ở mốc cao.
Người tiêu dùng bất bình vì giá hàng hóa chỉ biết tăng theo giá xăng dầu. (Ảnh minh họa)
Chị Nguyễn Thùy Hương (quận Thanh Xuân) cho hay, cứ cách 1 tuần chị lại vào siêu thị này để mua đồ ăn. Chị chú ý bảng giá quầy hàng thực phẩm đến cả tháng không thay đổi. “Tôi xem tivi thấy nói giá rau xanh, thịt giảm nhẹ nhưng khi đi mua hàng ở siêu thị, thấy chẳng khác là bao”.
Giải thích việc giá hàng hóa trong siêu thị chưa giảm, đại diện siêu thị cho biết chưa nhận được thông báo hạ giá hàng hóa của các doanh nghiệp, trong khi đó siêu thị chỉ là đơn vị trung gian phân phối. Việc giảm giá xăng là nguyên liệu đầu vào nên tác động trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất chứ doanh nghiệp phân phối không quyết định ngay được việc hạ giá sản phẩm.
“Giá xăng dầu mới giảm một ngày nên chưa thể có phương án giảm giá hàng hóa ở siêu thị ngay được vì chủ yếu là hàng trong kho chứ không phải nhập hôm nay đến bán ngày mai” - vị đại diện phân tích.
Cước vận tải “lừng khừng” giảm
Tương tự như vậy, các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh vẫn chưa hề có động thái giảm giá. Tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, bảng giá vẫn niêm yết mức giá vé cũ. Tại bến Mỹ Đình, tuyến đi Sa Pa (Lào Cai) vẫn có giá 330.000 đồng/hành khách; đi Hà Tĩnh là 170.000 đồng/ hành khách. Tại Bến xe Giáp Bát, tuyến Thanh Hóa vẫn có giá 70.000 đồng/hành khách; đi Thái Bình là 80.000 đồng/hành khách...
Trước đó, khi giá xăng dầu mới giảm 1.900 đồng/lít, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã giải thích với cơ quan quản lý và người tiêu dùng rằng do mức xăng giảm ít, chưa tác động nhiều đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp vận tải, vì vậy chưa thể giảm giá tương ứng.
Theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thực tế cho thấy giá hàng hóa đang bị “làm xiếc”. Trong hơn một năm qua, giá dầu ăn tăng đến 50%, giá thực phẩm, thịt, cá cũng tăng tới 40%. Trong khi đó, hàng tồn kho vẫn rất lớn, giá nguyên liệu đầu vào cũng hạ nhiệt. |
Tuy nhiên, thời điểm này, khi giá xăng dầu đã giảm tới 2.600 đồng/lít mà các hãng vận tải vẫn chưa có động thái giảm giá.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội khẳng định, xăng giảm 2.600 đồng nhưng tăng 3.000 đồng, nghĩa là vẫn “âm” 400 đồng. Trong tháng 6 này, chắc chắn các hãng taxi sẽ đồng loạt niêm yết giá taxi mới.
Về việc các doanh nghiệp vận tải đường dài chưa giảm giá, ông Hùng cho biết: Do các xe đường dài chạy bằng dầu diesel, mức giảm giá dầu lại không nhiều, nên các hãng xe chạy đường dài lớn vẫn chưa thể thực hiện giảm giá cước.