Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Là một trong sáu xã của tỉnh Hà Nam có tỷ lệ nhiễm asen trong nước ngầm cao nhất nước, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục,tỉnh Hà Nam đang phải gánh chịu thêm những hậu hoạ từ ô nhiễm môi trường do chăn nuôi thiếu quy hoạch, thiếu vệ sinh gây ra.
Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục được xem như “rốn nước” của cả tỉnh. Hàng năm, vào mùa mưa, nước sông Nhuệ - Đáy dâng cao, cả xã chìm trong ô nhiễm. Ô nhiễm từ nước thải đã vậy, nguồn nước ngầm với tỷ lệ asen cao, vượt tiêu chuẩn cho phép hàng trăm lần khiến cho dân trong xã luôn bức bách, khan khổ về điều kiện môi trường sống.
Đặc biệt, trong điều kiện dân trong xã đang tập trung phát triển kinh tế chăn nuôi để giảm bớt gánh nặng về cuộc sống, ô nhiễm môi trường từ nguồn thải chăn nuôi lại càng trầm trọng hơn.
Hiện nay, theo đánh giá của Trung tâm Tư vấn&Chuyển giao Công nghệ thuộc Tổng cục Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại Ngọc Lũ là rất nghiêm trọng. Vào xã Ngọc Lũ, mùi hôi đặc trưng của nghề chăn nuôi lan tỏa khắp trong thôn xóm. Dọc theo các con kênh trong xóm, phân lợn cùng với nước thải chăn nuôi màu đen chảy tràn khắp mặt kênh, một số nơi còn lan tràn cả ra đường làng, ngõ xóm.
Nguy hiểm hơn, nước thải từ chăn nuôi chưa qua xử lý trực tiếp thải xuống sông Châu Giang, là một nhánh của sông Đáy, làm gia tăng sự ô nhiễm của sông Nhuệ - Đáy, ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan lưu vực sông và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc lưu vực sông, trong đó có cả tỉnh Hà Nam.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn khi trong thời gian tới, dự án xây dựng nhà máy nước cấp sinh hoạt cho cư dân 8 xã của huyện Bình Lục, lấy nước sông Châu Giang làm nguồn cấp nước đầu vào được hoàn thành.
Theo ông Bùi Văn Hùng, Phó Bí thư huyện Bình Lục, nghề nuôi lợn tại xã Ngọc Lũ cũng đang được định hình như là một giải pháp cải thiện kinh tế hộ gia đình, với số đầu lợn xuất chuồng ổn định ở mức khoảng 22.000 con/năm.
Vào thời kỳ cao điểm số đầu lợn xuất chuồng tại xã lên tới 35.000 con/năm. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi ở đây còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch và các hướng dẫn về kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Trong những nhiều năm qua, UBND tỉnh Hà Nam đã áp dụng nhiều chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Huyện Bình Lục được chọn triển khai hơn 30 mô hình dạng hầm khí biogas bằng túi ni lon và dạng vòm cố định xử lý chất thải cho chăn nuôi gia súc.
Nhưng, trong quá trình sử dụng, cả hai loại hầm này đều bộc lộ khá nhiều nhược điểm, một số hầm bị hỏng hoặc không phát huy được tác dụng. Theo đánh giá của Trung tâm Nước sạch&Vệ sinh Môi trường Nông thôn, có khoảng 10 phần trăm – 12 phần trăm số mô hình hầm biogas có trục trặc kỹ thuật hoặc không phát huy tác dụng.
Kết quả phân tích chất lượng mẫu nước đầu ra sau bể biogas tại một vài hộ dân tại thôn 1, xã Ngọc Lũ do Trung tâm Tư vấn&Công nghệ Môi trường kết hợp với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest 1) lấy mẫu phân tích kiểm nghiệm cho thấy nồng độ các chỉ tiêu ô nhiễm nước thải sau biogas là rất cao (BOD5 từ 1.500 – 1.600 mg/l; COD = 1.910 – 1.920 mg/l; SS = 800 – 910 mg/l).
Điều đó cho thấy, các giải pháp xử lý môi trường phát sinh từ ngành chăn nuôi đã được rất nhiều chương trình, dự án áp dụng nhưng không phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Chất lượng môi trường tại Ngọc Lũ đang ngày một xấu đi, nghề chăn nuôi tại Ngọc Lũ mà đặc biệt là tại thôn 1 hiện là mối hiểm họa về mặt môi trường rất lớn, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Thách thức này, theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cần tiến hành dồng bộ các giải pháp, trong đó có việc xây dựng mô hình xử lý nước thải tập trung tại một thôn, kết hợp với việc tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức.
Tiến hành đồng bộ các giải pháp về lâu dài sẽ cải thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế suy giảm chất lượng môi trường tự nhiên và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại khu vực thực hiện dự án. Từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường sông Châu Giang và góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Theo hướng tiếp cận này, Tổng cục Môi trường đã hỗ trợ xã Ngọc Lũ làm thí điểm dự án ”Xây dựng mô hình xử lý nước thải chăn nuôi lợn góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ- Đáy”.
Dự án hướng tới xây dựng được hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, sử dụng các loại thực vật nhằm cải thiện chất lượng môi trường, cảnh quan tại khu vực và đặc biệt sẽ xây dựng các giải pháp nhằm tuyên truyền, cải thiện và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và chất lượng sức khỏe môi trường.
Ông Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tư vấn&Công nghệ Môi trường, đơn vị trực tiếp xây dựng đề án triển khai hỗ trợ xã Ngọc Lũ, cho rằng, việc thực hiện dự án sẽ tạo tiền đề cho việc áp dụng các kỹ thuật công nghệ môi trường vào xử lý, giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế suy giảm chất lượng môi trường tự nhiên và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại khu vực thực hiện dự án.
Cũng theo ông Hiếu, kết quả từ mô hình dự án xã Ngọc Lũ sẽ nhân rộng ra những khu vực khác trên toàn quốc, giúp làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường trên toàn bộ các lưu vực sông tại Việt nam.
Tìm giải pháp xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường tại các địa phương nằm trên các lưu vực sông đang bị ô nhiễm trầm trọng là hướng tiếp cận mới của Tổng cục Môi trường.
Đây được coi là giải pháp lâu dài và bền vững, không chỉ giúp nhân dân giảm bớt nỗi lo về ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khoẻ mà hơn hết qua mỗi mô hình, mỗi người dân hiểu và có ý thức, trách nhiệm hơn đối với vấn đề bảo vệ môi trường.