Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Trại heo giống gây ô nhiễm nguồn nước

(23:56:51 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (VFEJ) - Nhiều năm qua, những hộ dân sống gần trại heo giống cấp I Nhơn Hoà thuộc xóm Trung Tín, thôn Trung Aí, xã Nhơn Hoà, huyện An Nhơn, Bình Định phải chung sống với những giếng nước đen ngòm, bốc mùi tanh tưởi vì mạch nước ngầm bị nhiễm bẩn do nguồn nguồn nước thải từ trại heo giống.

Bà Nguyễn Thị Thường (67 tuổi) ở xóm Trung Tín, thôn Trung Aí, xã Nhơn Hoà (An Nhơn) cho biết: “Gia đình tôi sống ở đây hơn 20 năm. Cái giếng nước này được xây dựng sau khi làm nhà mấy năm. Giếng vừa đào, gia đình dùng luôn cho đến khi bị ô nhiễm”.

 

 

Nước giếng nhà bà Liễu đen như nước bùn

 

 

Vừa chỉ tay vào giếng nước có đỏ ngầu như nước nguồn mùa lũ bà Thường  nói thêm: “Trước đây nước giếng trong vắt chứ có đâu như bây giờ như cháu thấy đấy, nước đục như nước cơm, dù đã cho vào lu lọc qua nhiều lớp cát sạn rồi nhưng cũng không dám uống vì có mùi tanh tưởi lắm. Chỉ dùng để tắm thôi nhưng cũng không xong, người lớn tắm lâu “quen da” chứ con trẻ thường bị ghẻ ngứa và bị nấm da đầu. Gia đình tôi có tám khẩu, nhà nghèo nên không có tiền mua bình nước khoáng để uống như các hộ khác, ngày nào cũng đi sang xòm Gò cách 2km để gánh nước uống”.

 

Còn nhà bà Nguyễn Thị Liễn (50 tuổi) có một giếng nước mới xây nhưng đã bỏ hoang, cỏ dại mọc kín quanh lòng giếng vì sự ô nhiễm của nước còn tồi tệ hơn.

 

 

Bà Liễn kể: “Giếng này được đào vào tháng 8/2006. Lúc mới đào, tôi thấy nước đã có “vấn đề”, dùng được vài tháng thì nước trở màu đục ngầu, sau đó lại chuyển màu đỏ quánh rồi nhanh chóng chuyển sang màu đen ngòm như nước than đá. Giờ cũng chẳng dám dùng mà tắm cho bò vì sợ bò bị ghẻ ngứa”.

 

 

Chị Nguyễn Thị Lệ ở đội 1 cũng sở hữu một cái giếng đen tiếp lời: “Nước uống chúng tôi phải mua, gia đình năm người, uống nhín nhịn mỗi tháng cũng phải hết tám bình nước khoáng (8.000 đồng/bình), nước giếng chỉ dùng để tắm và giặt đồ. Thế nhưng tắm xong khắp người tanh tưởi và nước này mà giặt đồ trắng thì chỉ ba nước là từ màu trắng chuyển sang màu nâu ngay”.

 

 

Cách khu dân cư Trung Tín vài trăm mét là trại heo giống cấp I Nhơn Hoà (thuộc Trung tâm Khoa học Kỹ thuật Vật nuôi Bình Định) có quy mô khá lớn. Dân địa phương cho biết trước đây, nước thải từ trại heo giống cấp I Nhơn Hoà còn xả theo con mương nhỏ chảy ra sông Bờ Bạn, những giếng nước trong vùng này còn dùng được. Cách đây trên 10 năm, vùng đất trống nằm giữa trại heo giống và khu dân cư Trung Tín (do trại heo giống quản lý) được cho đấu giá để trồng rau muống, nước thải của trại giống không còn xả ra sông mà được xả trực tiếp ra ruộng rau để làm phân, nước thải ngấm dần xuống mạch nước ngầm làm cho các giếng nước trong vùng đều bị ô nhiễm.

 

 

Bà Nguyễn Thị Thường kể thêm: “Để “tránh tiếng”, vào lúc 8-9 giờ đêm họ mới xả nước thải phân từ trại heo ra ruộng rau. Thế nhưng, việc làm lén lút ấy chỉ có thể dấu được những con mắt chứ làm sao dấu được hàng trăm cái lỗ mũi và cái mùi hôi thúi nồng nặc khắp vùng. Gặp hôm xuôi gió, mùi hôi thúi tấn công xóm làng càng dữ, trời nóng mấy cũng phải đóng cửa kín mít. Dù như thế nhưng có hôm vẫn không ngủ được vì cái mùi nồng nặc ấy len lỏi qua khe cửa vào tận trong nhà, muốn ngủ được phải mang khẩu trang và trùm chăn kín mít”.

 

 

Đứng trên con đường đất nối vùng đất trồng rau muống với khu dân cư Trung Tín, mặc dù không phải lúc nước thải đang xả,mùi hôi thúi nồng nặc mà bà Thường vừa tả vẫn còn không khí.

 

 

Tại nhà ông Thái Văn Định (42 tuổi) cũng ở xóm Trung Tín, người đấu thầu đất của trại heo giống trồng rau muống, chúng tôi được ông Định cho biết: “Đất của trại heo giống Nhơn Hoà rất rộng, họ khai thác làm trại chăn nuôi không hết nên cho tôi thuê 25 sào đất trồng rau hơn 10 năm nay, hợp đồng thực hiện 5 năm 1 lần. Tiền thuê 25 sào đất tôi phải trả là 15 triệu đồng/năm. Trong quá trình trồng rau, tôi được trại “khuyến mãi” cho xả nước phân heo vào ruộng để bón rau cho tốt”.

 

 

Ông Phan Kế (64 tuổi) bức xúc: “Do nguồn nước thải của trại heo giống xả trực tiếp ra ruộng rau kéo dài nhiều năm, thẩm thấu xuống mạch nước ngầm nên đã huỷ hoại toàn bộ các giếng nước trong khu dân cư lân cận. Không những vậy, mùi hôi thối toả ra ngày đêm làm người dân chúng tôi luôn sống trong bầu không khí ô nhiễm”.

 

 

Ông Phạm Xuân Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hoà - nói: “Khu dân cư xóm Trung Tín thuộc thôn Trung Aí có 30 hộ dân, do những giếng nước ở đây bị ô nhiễm nặng nên người ta thường gọi vùng ấy là “xóm giếng đen”.

Vũ Đình Thung