Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Đây là hội thảo quốc tế về bảo vệ hồ Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, thu hút hơn 150 chuyên gia đến từ Hungary, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam. Chuyên gia từ các ngành môi trường, xây dựng, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, xã hội học, các tổ chức phi chính phủ... đã cùng thảo luận các giải pháp cần thiết bảo vệ hệ sinh thái của hồ Hà Nội dựa vào cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Các chuyên gia môi trường nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm của các nước này trong việc khôi phục và bảo vệ hồ Balaton của Hungary, sông Hàn của Hàn Quốc và hồ Tahoe của Mỹ.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường nhấn mạnh: Dự án hồ Hà Nội của Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng là một ví dụ điển hình về cách tiếp cận từ dưới lên, hướng tới hành động nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cụ thể. Cách tiếp cận này cần được khuyến khích và áp dụng rộng rãi cho các vấn đề môi trường khác.
Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã xuất bản một báo cáo nêu rõ các mối đe dọa tới "sức khỏe" của hồ Hà Nội bao gồm sự ô nhiễm, hệ thống hạ tầng cơ sở yếu kém và sự thiếu nhận thức của người Hà Nội về mối liên hệ giữa "sức khỏe" của hồ, sức khỏe người dân và cuộc sống. Sau đó, Trung tâm tiếp tục cho ra mắt website của hồ Hà Nội tại địa chỉ www.cecr.vn với mục đích xây dựng một mạng lưới kết nối cộng đồng gìn giữ và bảo vệ các hồ ở Hà Nội, hỗ trợ sự hợp tác chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia môi trường, các nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư vùng hồ. Gần đây nhất, hưởng ứng Ngày Trái đất 2012, Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng phối hợp với Đại sứ quán Mỹ, Hội phụ nữ phường Ngọc Khánh cùng hơn 100 tình nguyện viên cùng nhau dọn vệ sinh hồ Ngọc Khánh và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết: Sự tăng trưởng kinh tế của Hà Nội chỉ thực sự bền vững khi các vấn đề môi trường và xã hội được giải quyết hiệu quả. Việc khôi phục thành công hệ thống hồ Hà Nội đưa hệ sinh thái hồ trở lại "khỏe mạnh" phục vụ các lợi ích người dân của thành phố phải trở thành một trong các chỉ số quan trọng nhất xác định sự phát triển bền vững của Hà Nội. Công tác khôi phục hệ sinh thái của hồ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, đòi hỏi các giải pháp tích hợp và đồng bộ với sự tham gia của các nhóm xã hội, dân cư sống xung quanh hồ.