Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sụt đất ở Phú Thọ không phải hiện tượng lạ !

(08:12:19 AM 22/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Hiện tượng sụt lún đất tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ không phải là hiện tượng lạ và đã kéo dài từ hàng chục năm nay. Hoàn toàn có thể khắc phục được hiện tượng này.

TS Nguyễn Quốc Thành, Trưởng phòng Phát triển công nghệ và Kỹ thuật môi trường, viện Địa chất (Viện KH-CN Việt Nam): Sụt lún đất tại Thanh Ba, Phú Thọ là một hiện tượng địa chất thường xảy ra mà nguyên nhân là do xói ngầm. Hiện tượng xói ngầm có nghĩa là các hạt đất, cát sau khi bị bão hòa nước do bị ngâm trong thời gian dài nên bị trôi đi tạo thành các hang ngầm gây ra các hố sụt.

Các kết quả khảo sát ở khu vực Thanh Ba có rất nhiều các hang karst như vậy. Karst là hiện tượng địa chất tự nhiên sinh ra do tác dụng hòa tan của nước dưới đất và nước trên mặt trong các đá dễ hòa tan để tạo ra trên bề mặt và bên trong khối đá những hình thái đặc biệt như: hang động ngầm, sông ngầm, những hố trũng dạng phễu hoặc những giếng dạng phẳng bên trong khối đá. Để khắc phục triệt để hiện tượng sụt lún thì điều quan trọng là phải tìm ra được các địa điểm cụ thể có nguy cơ hay có khả năng xảy ra sụt đất, tìm ra các vùng hang karst ngầm ở dưới để chặn nó lại.

Người dân lo lắng hiện tượng sụt lún đất tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ_ ảnh Ngọc Long


Đây là hiện tượng địa chất động lực bình thường dễ xảy ra, chứ không phải là hiện tượng lạ. Nhiều nước cũng gặp và xử lý hiện tượng này. Riêng ở nước ta, do điều kiện kinh tế khó khăn, kinh phí ít nên các nhà khoa học cũng có ít các đề tài nghiên cứu về vấn đề này và các nhà quản lý cũng ít quan tâm đến các hiện tượng này.

TS Nguyễn Xuân Huyên, phòng Trầm tích, Viện Địa chất: Năm 2007-2008 tôi có tham gia khảo sát địa chất tại khu vực Thanh Ba, Phú Thọ thấy rằng hiện tượng sụt đất đã diễn ra từ lâu, từ những năm 90 của thế kỷ trước, có nhiều đợt sụt lún nghiêm trọng làm mất cả một diện tích lớn như vườn cây, ao cá…

Ở những khu vực có mật độ hang karst lớn, nhiều nước ngầm tốt nhất là cảnh báo sớm cho người dân biết và di dời dân ra khỏi khu vực để tránh nguy hiểm. Các hố sụt đơn lẻ thì có thể dùng đất để lấp đầy vào được nhưng với các hố sụt liên thông với nhau thì rất khó mà có thể lấp được. Do đó, cần phải có các nghiên cứu địa vật lý chi tiết về các địa điểm có nguy cơ gây sụt lún đất và các hố sụt đó có nước ngầm hay không, có tạo thành các dòng chảy hay không, nếu có thì rất dễ gây sụt. Với tiến bộ khoa học-kỹ thuật như hiện nay, các chuyên gia hoàn toàn có thể khảo sát những nơi có nguy cơ sụt lún và đưa ra được các biện pháp thích hợp để xử lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là có làm hay không và có kinh phí để làm hay không thôi!

KS Kim Ngọc Hải, Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN-MT Hà Nội): Hiện tượng sụt đất ở Thanh Ba, Phú Thọ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tỉnh Phú Thọ cần phải mời các chuyên gia đến khảo sát thực địa các hố sụt lún nhằm đưa ra các nhận xét, đánh giá xác đáng. Tôi cho rằng, hiện tượng sụt lún đất ở khu vực này có liên quan đến việc hạ thấp mực nước ngầm trong khu vực và liên quan đến các hang động karst nằm dưới nền đất. Đây là nguyên nhân chính. Còn việc nổ mìn khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng của nhà máy xi măng Thanh Ba có thể chỉ là nguyên nhân thứ phát, tạo thuận lợi và gia tăng cho sự sụt lún.

TS Cung Thượng Chí, Trưởng phòng Địa niên đại, Viện địa chất: Cách đây vài năm, Viện Địa chất phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Phú Thọ đã tiến hành một đề tài nghiên cứu hiện tượng sụt đất ở huyện Thanh Ba, cũng bước đầu làm sáng tỏ nguyên nhân sụt đất ở một vài xã nằm gần khu vực khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng của Công ty cổ phần xi-măng Sông Thao. Do tác động của việc nổ mìn khai thác đá làm ảnh hưởng đến nền móng yếu có hang, hốc ngầm ở bên dưới nên dẫn đến sụt lún đất, đặc biệt dễ xảy ra trong mùa mưa.

Trao đổi với phóng viên chiều 21/6, ông Vi Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ cho biết hiện tượng sụt lún đất tại xã Ninh Dân đã từng xảy ra từ những năm 1990. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, tình trạng này mới nghiêm trọng và tập trung chủ yếu ở khu 3 và khu 4. Hai khu này, có 375 hộ sinh sống thì có 164 ngôi nhà bị nghiêng, nứt tường, sụt nền nhà. Riêng khu 3, có đến 50 hộ có nhà bị hư hỏng nặng và hàng chục hộ đã phải di dời khẩn cấp khỏi vùng sụt lún.


Trên địa bàn xã Ninh Dân hiện có khoảng 40 hố sụt (trong đó có 7 hố nằm trong đất thổ cư của nhà dân, ba hố nằm trên đường giao thông, 30 hố nằm trong đất ruộng và đất canh tác hoa màu của người dân). Các hố sụt, lún có đường kính trung bình từ 5 - 9 mét, độ sâu 3 - 7 mét. UBND Tỉnh Phú thọ đã có kế hoạch trong năm 2013 phải di dời được 100 hộ dân và đến năm 2015 sẽ di dời hết 400 hộ dân trong vùng sụt lún.

(Theo ĐVO)