Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
|
Rau sạch vào siêu thị còn hạn chế.
|
Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, với hơn 3.000ha trồng rau các loại, tập trung chủ yếu ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi như các HTX Xuân Thới Thượng, Ngã Ba Giồng, Tân Phú Trung, Thỏ Việt, Nhuận Đức, Phước An… mỗi năm sản xuất được khoảng 280.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 750.000 tấn. Tuy nhiên, ngay cả với nguồn rau sạch ít ỏi này cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp kiểm soát, dẫn đến tình trạng một lượng lớn rau sạch phải bán trôi nổi ngoài thị trường. Theo đại diện các HTX trồng rau sạch, lượng rau an toàn sản xuất ra chỉ tiêu thụ được với số lượng rất ít tại các nhà hàng, siêu thị. HTX Ngã Ba Giồng và Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) có sản lượng 20 tấn rau/ngày, nhưng hợp đồng đưa vào siêu thị Metro, Co.op Mart và MaxiMark chưa đến 1 tấn/ngày, còn lại phải bán tại chợ đầu mối Tân Xuân với giá... rau thường. Thực trạng này khiến nông dân không hào hứng với việc trồng rau an toàn.
Tình trạng "thả nổi" rau sạch là do chưa có sự đồng bộ trong chuỗi sản xuất, cung ứng rau sạch, nhất là kênh phân phối còn yếu, sản phẩm không có dấu hiệu để nhận diện, sản phẩm VietGAP ít được người tiêu dùng biết đến… Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, phụ trách truyền thông phía nam của siêu thị BigC cho biết, siêu thị này mới thu mua của HTX Thỏ Việt bình quân 1 tấn rau/ngày, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. "Giá cả của các đơn vị cung cấp ngoài TP tốt hơn; mặt hàng rau, củ, quả cũng đa dạng, phong phú hơn; giúp BigC có thể thực hiện mục tiêu mang đến giá cả và chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng" - bà Ngọc Trâm nói. Tương tự, hệ thống siêu thị Co.op Mart tiêu thụ tới 40 tấn rau, củ, quả mỗi ngày, nhưng chỉ có khoảng 20% có nguồn gốc từ các HTX trên địa bàn TP.
TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ rau, củ, quả lớn nhất cả nước, chủ yếu nhập từ các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Riêng 3 tỉnh Tây Ninh, Long An và Tiền Giang cung ứng khoảng 320.000 tấn/năm, chiếm khoảng 24,2%. Nhằm bảo đảm ổn định nguồn hàng, đạt yêu cầu về chất lượng, mới đây TP Hồ Chí Minh đã ký hợp tác với 4 tỉnh Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang. Theo đó, lượng rau an toàn các tỉnh cung cấp sẽ thông qua các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền và Xí nghiệp Chế biến kinh doanh rau quả Vissan, mỗi ngày dao động từ vài chục tấn đến 200 tấn. Ông Trương Văn Nhất, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, việc ký kết hợp tác với các tỉnh là cách để có nguồn rau, quả an toàn, ổn định và tạo cung - cầu kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ. "Chất lượng rau, củ, quả được các ngành chức năng các tỉnh kiểm tra và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc sẽ giảm bớt khâu kiểm tra mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng" - ông Trương Văn Nhất phân tích.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT, việc liên kết với các tỉnh nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến lưu thông, từng bước thực hiện chuỗi nông sản an toàn mà Thủ tướng Chính phủ đã chọn TP Hồ Chí Minh làm thí điểm. Chi cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản của các tỉnh sẽ theo dõi quy trình sản xuất của nông dân ngay tại đồng ruộng; tư vấn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn và bảo đảm thời gian cách ly; tiến hành lấy mẫu kiểm tra tại chỗ; thực hiện công tác chứng nhận nguồn gốc sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân trước khi vận chuyển về TP tiêu thụ.
Với những việc làm trên đây, thời gian tới ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh hy vọng sẽ chủ động kiểm soát chất lượng của 70% lượng rau, quả tiêu thụ trên địa bàn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh rau sạch đáp ứng nhu cầu của người dân.