Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ô nhiễm nguồn nước sông Hiến

(23:56:32 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (VFEJ)-Sông Hiến (cùng với sông Bằng) là một trong hai nguồn nước mặt chủ yếu để Công ty TNHH một thành viên cấp nước Cao Bằng sản xuất nước phục vụ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của dân thị xã Cao Bằng. Thế nhưng, hiện dòng sông Hiến luôn đục ngầu bởi bùn đất từ khai thác khoáng sản trên thượng nguồn đổ về khiến nguy cơ trở thành con “sông chết”.

khai thac khoang san

 

Việc khai thác khoáng sản trên thượng nguồn khiến nước sông Hiến ô nhiễm


Hàng vạn người dân thị xã Cao Bằng chịu cảnh mất tiền nhưng vẫn phải sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh.



Ngược dòng sông Hiến, theo Tỉnh lộ 209 chúng tôi đến thượng nguồn suối Minh Khai (một trong những lưu vực chủ yếu của sông Hiến) để tìm hiểu nguyên nhân dòng nước bị ô nhiễm.

 

Đứng ở chân cầu Nậm Giạng, xã Quang Trọng (Thạch An) chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến con suối Nà Giàn đặc quánh bùn đất đang hòa lẫn với dòng nước còn trong xanh của suối Nậm Giạng. Đi tiếp lên đỉnh Khau Xiểm, thượng nguồn của suối Nà Giàn, không cần lý giải chúng tôi đã hiểu tại sao nguồn nước này đã bị ô nhiễm như vậy.


Trên diện tích hàng chục ha được UBND tỉnh Cao Bằng cấp phép cho hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Bảo Phát và Công ty Đại Bảo để khai thác vàng ở Phiêng Đẩy và Khau Xiểm (thuộc địa bàn hai xã Minh Khai và Quang Trọng) bị đào bới nham nhở.

 

Thế nhưng, doanh nghiệp đã chưa đầu tư thỏa đáng để bảo vệ môi trường như đã cam kết mà toàn bộ chất thải đều được thải trực tiếp ra môi trường đã làm chết dòng suối Nà Giàn.



Anh Trần Văn Đạo, xóm Nà Mu, xã Quang Trọng, cho biết gia đình anh có khoảng 1.000 m2 đất ruộng cạnh suối hằng năm thường xuyên bị bùn, đất thải vùi lấp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng.

 

Hơn nữa, do nguồn nước bị ô nhiễm nên nhiều lúc gia súc, gia cầm của nhà cũng bị chết không rõ nguyên nhân. Anh Đạo khẳng định nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp khai thác vàng ở thượng nguồn đã làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước.


Một nguyên nhân quan trọng khác cũng góp phần làm ô nhiễm thêm nguồn nước là tình trạng khai thác vàng trái phép dọc theo hai bờ suối của người dân địa phương chưa được ngăn chặn triệt để.

 

Đặc biệt, mấy năm gần đây khi thu hoạch xong lúa mùa, người dân ở ba xã Canh Tân, Minh Khai và Quang Trọng (huyện Thạch An) lại đổ xô ra đồng để khai thác vàng trái phép. Chúng tôi trực tiếp chứng kiến trên địa bàn 3 xã Canh Tân, Minh Khai và Quang Trọng (tập trung chủ yếu tại hai xã Minh Khai và Quang Trọng) có đến hơn 50 điểm khai thác vàng trái phép.


Toàn bộ nước thải lẫn bùn đất do khai thác vàng lại được đổ trực tiếp vào nguồn nước làm dòng suối chảy qua khu vực này vốn đã đục lại càng đục hơn. Mặc dù, dòng nước sông Hiến từ thượng nguồn đổ về cũng đã được hòa lẫn với nước sông Tài Hồ Sìn, nhưng do quá bị ô nhiễm nên khi dòng sông Hiến chảy vào đến địa phận Thị xã Cao Bằng vẫn đục ngầu bùn đất.



Kết quả phân tích mẫu nước của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Cao Bằng trong tháng 9/2009, chỉ số NTU (độ đục) trung bình của nước thô của sông Hiến tại trạm bơm Tân An (Thị xã Cao Bằng) đo được là 188, gấp gần 5 lần so với độ đục của sông Bằng (cùng thời điểm chỉ số NTU trung bình của sông Bằng tại xã Đề Thám, Thị xã Cao Bằng đo được là 38,2).

 

Hiện bước vào giữa mùa khô, không còn mưa lớn xảy ra nhưng sông Hiến vẫn cứ đục ngầu, chỉ số NTU đo được tại Tân An luôn dao động từ 150 - 200. Vì nguồn nước thô quá đục nên mặt dù đã qua xử lý, nhiều lúc nước sạch của nhà máy nước Tân An khi cung cấp đến dân có chỉ số NTU vượt quá mức cho phép, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

 

Trong khi đó, Nhà máy Nước Tân An hiện đang cung cấp nước chủ yếu cho 15.000 khách hàng khu vực Thị xã Cao Bằng, chiếm hơn 70% trong tổng số sản lượng 300.000 m3 nước sạch/tháng.



Theo ông Trần Thế Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một Thành viên Cấp nước Cao Bằng, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Hiến, đảm bảo lợi ích của người dân, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng trên thượng nguồn cần có biện pháp đầu tư bảo vệ môi trường như cam kết, khẩn trương giải tỏa nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Thạch An.

Lưu Thanh Tuấn