Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hoạt động của Ban lâm nghiệp xã - Con thuyền trên bến cạn

(08:39:32 AM 19/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Lâm Đồng hiện là tỉnh có diện tích rừng lớn hàng đầu trong cả nước với hơn 600.000 ha, nên giữ rừng từ cơ sở là rất quan trọng. Việc Lâm Đồng thành lập Ban lâm nghiệp xã là một quyết định đúng.

Ảnh minh họa

 
Hiện nay Lâm Đồng có đến 113 Ban lâm nghiệp xã (trên tổng số 114 xã, phường, thị trấn có rừng trên toàn tỉnh) với 1.281 thành viên. Mặc dù đã có một số Ban lâm nghiệp xã được ghi nhận là có những hoạt động tích cực, nhưng nhìn chung, hệ thống có quy mô lớn phủ khắp các địa bàn trong toàn tỉnh với nguồn nhân lực lên đến hơn nghìn người này vẫn hoạt động chưa đạt yêu cầu đặt ra, tài nguyên rừng trên nhiều xã vẫn bị xâm hại… Có thể so sánh tình cảnh “loay hoay” hiện nay của các Ban lâm nghiệp xã giống như con thuyền trên bến cạn.

Hiệu quả kém vì… còn nhiều bất cập?

Đó là cách giải thích của hầu hết các địa phương về việc không ít Ban lâm nghiệp xã “nghe có tiếng”, nhưng thực tế lại không làm “ra tấm ra miếng” theo những chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban lâm nghiệp có thành phần đủ mạnh như: lãnh đạo xã, lãnh đạo các đoàn thể, kiểm lâm viên địa bàn, các đơn vị chủ rừng Nhà nước, dân quân… Chức năng, nhiệm vụ cũng được quy định rõ ràng như: tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và PCCCR, triển khai thực hiện quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư , phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng…Song hoạt động lại không mạnh, ngoại trừ một số ít Ban hoạt động khá tốt như các Ban của xã Ka Đô (huyện Đơn Dương), phường 3, xã Xuân Trường (thành phố Đà Lạt), xã Lộc Nam, Lộc Thành (huyện Bảo Lâm)…

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, song theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng thì có thể nói việc làm “được nhất” của các Ban là vận động xây dựng quy ước về bảo vệ rừng ở thôn buôn, tham gia tuyên truyền…Tuy nhiên hầu hết cũng chỉ mới dừng lại ở việc xây dựng, còn việc triển khai thực hiện thì chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng mà các Ban lâm nghiệp xã phát hiện, xử lý được còn rất thấp. Thẳng thắn nhìn nhận thì vai trò và hiệu quả hoạt động thực tế của nhiều Ban lâm nghiệp còn khá mờ nhạt . Đều này cũng được ông Nguyễn Duy Hải – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (huyện có đến hơn 117.000 ha rừng - nhiều nhất ở Lâm Đồng) xác nhận: “Hiện nay hầu hết các Ban lâm nghiệp xã chỉ tồn tại mang tính hình thức, không phát huy được hiệu quả”.

Vậy bất cập ở đây là gì? Theo nhiều địa phương thì bất cập đầu tiên đó chính là thành viên trong Ban đều là cán bộ kiêm nhiệm. Vì kiêm nhiệm nên không có thời gian, không thể toàn tâm toàn lực… cho công việc của Ban. Và cũng vì kiêm nhiệm, nên trong thành phần của Ban có không ít thành viên ghi tên trong Ban “cho đẹp đội hình” chứ không có kiến thức, năng lực chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ của Ban dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Đặc biệt thành viên có chuyên môn cao nhất là kiểm lâm viên địa bàn thì lại không thuộc xã quản lý, nên nhiều khi có việc, Trưởng Ban lâm nghiệp xã không điều động được.

Bất cập được nói đến nhiều nhất lại chính là kinh phí. Hằng năm mỗi Ban được cấp khoảng 1 triệu đồng, thành viên được phụ cấp mỗi người vài trăm nghìn đồng… thì không thể hoạt động được, nếu như thành viên của Ban không chấp nhận “thổi tù và hàng tổng”. Đặc biệt khi cần huy động lực lượng cho các hoạt động đột xuất thì càng không thể làm được, vì không có kinh phí để trả tiền công.

Thực tế có một lực cản rất lớn khiến cho các Ban lâm nghiệp xã hoạt động nặng tính hình thức, kém hiệu quả… nhưng hầu như không thấy đề cập đến trong các báo cáo, đó là các thành viên trong Ban lâm nghiệp xã ngại va chạm, sợ mất lòng…, và cả sợ những người bị xử phạt vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng trả thù. Bởi lẽ tất cả thành viên trong Ban (có thể ngoại trừ kiểm lâm viên) đều là người đang sinh sống tại địa phương, trong khi đó hầu hết người vi phạm cũng là người quen biết trong xã. Vì vậy mà thực tế không ít thành viên, không ít Ban lâm nghiệp xã đã "chùn tay" trong hoạt động của mình.

Cùng những nguyên nhân chính trên, còn những khó khăn do không có nơi làm việc cố định ở trụ sở UBND xã, là việc thường có sự thay đổi về nhân sự…

Cần "khơi luồng" cho bến

Trong khi các Ban lâm nghiệp luôn kêu khó, thiếu kinh phí, hoạt động kém hiệu quả… thì tổng khoản chi từ ngân sách cho hệ thống Ban lâm nghiệp xã hằng năm cũng lên đến cả tỷ đồng. Vì vậy "khơi luồng" cho bến để thuyền “ra khơi” là việc cần làm, nhằm tránh lãng phí và góp phần hữu hiệu nhất vào công tác quản lý bảo vệ rừng.

Cần một thành viên có đủ năng lực chuyên môn làm chuyên trách trong vai trò là “hạt nhân” cho đội ngũ kiêm nhiệm là giải pháp đầu tiên cần làm. Bởi lẽ Ban lâm nghiệp xã là một tổ chức tồn tại và hoạt động thường xuyên, liên tục, lâu dài chứ không phải hoạt động mang tính phong trào, vụ việc; Ban trực tiếp triển khai, thực thi những việc cụ thể trong công tác quản lý bảo vệ rừng chứ không phải là một Ban chỉ đạo. Thành viên chuyên trách sẽ là đầu mối và là nòng cốt để duy trì, tổ chức các hoạt động của Ban. Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm chặt hơn giữa kiểm lâm viên địa bàn với tư cách là thành viên Ban lâm nghiệp xã, để nâng cao được năng lực chuyên môn, cũng như tư cách pháp nhân khi xử lý các vụ vi phạm. Có như thế thì Ban lâm nghiệp xã mới thực sự hiện hữu và đảm bảo hoạt động được theo đúng chức năng và nhiệm vụ được giao.

Kinh phí cũng phải được trả lời cụ thể. Thật khó có thể hoạt động với mức phụ cấp như hiện nay nhưng với một hệ thống 113 Ban cùng đội ngũ thành viên lên đến 1.281 người thì không thể chỉ lấy từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách. Lâm Đồng đang có rất nhiều nguồn chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng như: nguồn 661, nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, nguồn 30a… Việc điều tiết một phần nhỏ các nguồn này cho các Ban lâm nghiệp là điều hoàn toàn có thể. Vì vậy điều tiết các nguồn này là cách làm khả thi nhất, để đảm bảo mức phụ cấp đủ cho các thành viên của các Ban lâm nghiệp xã lo việc của Ban, nhưng không đè lên gánh nặng ngân sách địa phương.

Gắn chặt việc tuyên truyền, khẳng định trách nhiệm, quyền hạn của Ban lâm nghiệp xã trong cộng đồng dân cư với việc có cơ chế bảo vệ các thành viên trong Ban, khi có nguy cơ bị xâm hại từ việc thực thi trách nhiệm của mình. Cơ chế đó cũng cần làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên, việc bổ nhiệm thành viên, việc phân công trách nhiệm cho từng thành viên… phải đảm bảo “không vướng” để tránh dẫn đến hệ quả nể nang, né tránh, xuê xoa… và đặc biệt là không để tồn tại suy nghĩ “quyền rơm vạ đá” trong các Ban lâm nghiệp xã. Điều này không làm tốt thì các Ban lâm nghiệp khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, t ập huấn, nâng cao năng lực cho thành viên các Ban lâm nghiệp xã cũng là điều cần thực hiện thường xuyên để “khơi thông” những vướng mắc về kiến thức pháp luật, chuyên môn lâm nghiệp… cho các thành viên.

Giữ rừng hiệu quả nhất vẫn là giữ từ cơ sở. Vì vậy nếu phát huy tốt được vai trò của các Ban lâm nghiệp xã thì chắc chắn công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ đạt được hiệu quả rất cao. Mọi việc đã rõ, vấn đề còn lại là những cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc " khơi thông luồng lạch", để các "con thuyền" Ban lâm nghiệp xã đủ điều kiện ra khơi.

(Theo TTXVN)