Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Châu thổ sông Hồng ô nhiễm asen với nồng độ cao

(23:56:26 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Theo kết quả nghiên cứu của Viện Y học Lao động&Vệ sinh Môi trường, hiện nay vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và các khu vực vùng bãi ven sông Hồng là những nơi có nguồn nước bị nhiễm asen (thạch tín) với nồng độ khá cao.

 

o nhiem asean


Ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và các khu vực vùng bãi ven sông Hồng, nguồn nước bị nhiễm asen (thạch tín) với nồng độ khá cao.

 

Tại Vĩnh Phúc, toàn bộ các xã vùng bãi như Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Cao Đại (huyện Vĩnh Tường); Đại Tự, Liên Châu, Hồng Phương, Trung Kiên, Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc)… nguồn nước ngầm từ các giếng khoan của các hộ dân đều ít nhiều bị nhiễm asen.

 

Mới đây, các cán bộ của Viện Y học Lao động&Vệ sinh Môi trường (Bộ Y tế) tiến hành nghiên cứu nguồn nước ngầm một số nơi tại Vĩnh Phúc cho thấy mức độ ô nhiễm asen có trong nguồn nước ngầm rất nghiêm trọng.

 

Trong số 111 giếng lấy mẫu nước ở hai huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, 97 giếng bị nhiễm asen, có nơi nồng độ asen nhiễm hơn 0,05 mg/l, trong khi theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, hàm lượng asen trong nước sinh hoạt phải dưới 0,01 mg/l mới đạt yêu cầu.

 

Qua trao đổi với các đồng chí lãnh đạo UBND xã Liên Châu huyện Yên Lạc được biết, toàn xã có khoảng 1.300 chiếc giếng khoan, độ sâu từ 18 đến 40m và khoảng 200 giếng khơi, nhưng hầu như nguồn nước các giếng này đều không đảm bảo vệ sinh.

 

Bằng những cảm quan thông thường dễ dàng nhận thấy, khi nước mới bơm từ giếng lên chưa qua bể lọc có mùi rất hôi tanh, nước đục, để nước qua một đêm hoặc từ 10 đến 12 giờ xuất hiện lớp váng vàng trên bề mặt…

 

Dù biết nguồn nước bị ô nhiễm, từ nhiều năm nay, dân địa phương vẫn phải sử dụng nguồn nước này xử lý qua bể lọc cát để làm nước sinh hoạt, ăn uống. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nước Sinh hoạt&Vệ sinh Môi trường nông thôn Vĩnh Phúc, biện pháp xử lý nước bằng bể lọc cát như các hộ dân đang làm hiện nay hầu hết chưa đạt yêu cầu.

 

Biện pháp này mới chỉ giúp loại bỏ tạp chất như bùn đất, một phần sắt trong nước, còn thành phần asen thì giảm không đáng kể.

 

Chị Nguyễn Thị Hằng Nga, cán bộ Trạm Y tế xã Liên Châu, cho biết trong quá trình khám bệnh cho nhân dân tại địa phương, đã thấy khá nhiều bệnh nhân mắc các bệnh do sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm như bệnh đau mắt hột, bệnh da liễu, phụ nữ mắc bệnh phụ khoa y tế xã đã và đang tích cực tuyên truyền nhân dân cố gắng xử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày.

 

Năm 2009, Trung tâm Tài nguyên&Bảo vệ Môi trường tỉnh đã hỗ trợ cho xã chín thiết bị lọc nước của Công ty Quang Minh. Thiết bị này có thể khử được tới 94% asen trong nước, cho ra nước có thể chấp nhận dùng cho sinh hoạt.

 

Tại xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Tường, kết quả kiểm tra chất lượng nước trong các giếng khoan, giếng khơi tại địa phương cho thấy nguồn nước ngầm ở đây bị ô nhiễm rất nặng, có những mẫu nước được kiểm tra có nồng độ asen gấp 11 lần mức cho phép.

 

Trạm Y tế và UBND xã đã tích cực thông báo, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương để đông đảo người dân được biết.

 

Hiện nay, các cơ quan trên địa bàn xã như trường học, trạm xá, ủy ban xã đã chuyển sang mua nước tinh khiết để sử dụng. Riêng người dân, do chưa có điều kiện nên vẫn dùng nước giếng mà trong lòng hết sức lo lắng.

 

Tìm hiểu thực tế tại hộ anh Nguyễn Văn Bình – thôn Xuân Chiểu, được biết gia đình anh ba lần làm giếng, trong đó có cả giếng khơi, cả giếng khoan nhưng vẫn không có được nguồn nước sạch để sử dụng.

 

Với nguồn nước hiện nay, gia đình anh phải xử lý bằng cách lọc qua bể cát, sau đó đun sôi đổ vào một thùng lớn để lắng qua đêm thì mới có thể dùng để ăn uống được. Anh Bình cho biết thêm, số người trong thôn anh bị chết do căn bệnh ung thư cũng đang có chiều hướng gia tăng.

 

Để tiến hành nghiên cứu các bệnh có thể mắc từ nguồn nước nhiễm asen, các chuyên gia y tế đã lấy mẫu tóc và nước tiểu của một số người hai huyện Vĩnh Tường và Yên lạc làm xét nghiệm.

 

Kết quả đã tìm thấy rất nhiều trường hợp dân bị các tổn thương như tóc bị sừng hóa, rụng tóc nhiều các bệnh về da như khô da bong vẩy, hạt cơm bệnh tăng sắc tố, bệnh tắc mạch đầu chi, ung thư da, tê tay chân, rối loạn về thai sản và ung thư...

 

Về điều này, Viện Y học Lao động&Vệ sinh Môi trường cho hay, tổng hợp các kết quả thu được từ nghiên cứu các mẫu trên, qua hội chẩn các chuyên gia Trung Quốc và Việt Nam đã thống nhất kết luận: Các tổn thương trên của dân là do tác hại của việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm asen để ăn uống và sinh hoạt.

 

Trung tâm Nước Sinh hoạt&Vệ sinh Môi trường Nông thôn, Trung tâm Tài nguyên&Bảo vệ Môi trường đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp dân nhận thức được sự nguy hại khi sử dụng nước bị ô nhiễm, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng nước ngầm bị nhiễm asen hướng tới việc người dân có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt.

 

Trước mắt, việc dân trong vùng có nguồn nước ngầm bị nhiễm asen cần làm là phải sử dụng các thiết bị lọc nước có tính năng khử asen như thiết bị lọc nước Quang Minh, xây dựng bể lọc sắt và asen theo đúng thiết kế kỹ thuật (bà con có thể liên hệ với Trung tâm Nước Sinh hoạt&Vệ sinh Môi trường Nông thôn để biết thông tin chi tiết), hoặc xây dựng bể chứa nước mưa …

 

Song, theo ông Đỗ Huy Sự – Phó Giám đốc Trung tâm Nước Sinh hoạt&Vệ sinh Môi trường Nông thôn, những cách làm trên chỉ là giải pháp tình thế. Biện pháp lâu dài, bền vững là phải xây dựng các công trình cấp nước tập trung tại các địa phương, nhà nước sẽ có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu, dân chịu chi phí lắp đặt từ đường dẫn chính vào đến nhà mình và hàng tháng phải chịu chi phí sử dụng nước.

 

Với cách làm này, các cơ quan chuyên môn sẽ thường xuyên kiểm tra được chất lượng nước, đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ nhân dân. Được biết, Vĩnh Phúc đã xây dựng 11 công trình nước sạch nông thôn nhưng mới có rất ít công trình phát huy hiệu quả.

 

Một trong những nguyên nhân khiến các công trình này chưa phát huy tác dụng là do nhận thức của người nông dân còn hạn chế, họ quen sử dụng nguồn nước tự nhiên không mất tiền, nay chuyển sang dùng nước máy hàng tháng phải trả tiền thì họ vẫn còn đắn đo.

 

Nhưng dân cần nhận thức được rằng nước ô nhiễm đang từng ngày gặm nhấm sức khoẻ của họ mà sức khoẻ mới là vốn quý mà không tiền bạc nào mua được.

 

Asen là nguyên tố tự nhiên, có nhiều ở lưu vực sông Hồng. Sự xâm nhập của asen vào nước ngầm chủ yếu là do sự hòa tan của asen sẵn có trong lòng đất. Asen xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường ăn uống, hô hấp, qua da hoặc truyền từ mẹ sang con.

Khi thâm nhập vào cơ thể, asen tích tụ nhiều trong các mô da, móng, tóc và trong các tổ chức giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non. Khi ăn phải nguồn nước nhiễm asen, người ta không chết ngay nhưng mức độ tích lũy của asen trong cơ thể sẽ tăng dần theo độ tuổi, và đến một thời điểm nào đó lượng tích luỹ asen trong cơ thể cao thì khi đó nó sẽ gây bệnh cho con người.

Ngọc Quang (Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc)