Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
* Hàng ngàn héc-ta bị thiệt hại
Từ năm 2009 đến 2011, bệnh chổi rồng bắt đầu bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, đến cuối năm 2011, ở khu vực phía Nam đã có 24.452ha nhãn bị bệnh chổi rồng trên tổng số 39.118ha diện tích trồng nhãn. Trong đó, diện tích nhãn bị nhiễm nặng là 12.907ha. Rất nhiều vườn nhãn bị tiêu điều, thiệt hại về năng suất từ 10 đến 90%. Đặc biệt, từ tháng 9-2011 đến tháng 5-2012, đã có 7 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL là Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ và Hậu Giang công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh với tổng diện tích nhiễm bệnh là 24.469ha, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 16.875ha.
Hậu Giang là một trong những địa phương có diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng lớn ở khu vực ĐBSCL. Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã có Quyết định công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các sở, ngành cùng UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các biện pháp dập dịch, ngăn ngừa dịch chổi rồng bùng phát. Chỉ đạo Chi cục BVTV tỉnh phối hợp với các địa phương xác định cụ thể hộ trồng, diện tích, mức độ nhiễm, vùng bị uy hiếp và vùng đệm để tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng về tính chất, đặc điểm, tác hại và biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Đồng thời, phối hợp Sở Tài chính trong việc sử dụng nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn…
Nhiều diện tích trồng nhãn trên địa bàn tỉnh bị bệnh chổi rồng cần được sự hỗ trợ.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, toàn tỉnh có 678,26ha nhãn thì có đến 474,112ha bị bệnh chổi rồng, tập trung ở các huyện: Châu Thành, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy, Phụng Hiệp… với mức độ ảnh hưởng đến năng suất từ 5-90%. Việc bệnh chổi rồng trên nhãn ngày càng bùng phát mạnh như hiện nay đã khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh lao đao vì chưa có thuốc cũng như phương pháp đặc trị. Gia đình ông Nguyễn Văn Hậu, ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, có 4 công đất trồng nhãn tiêu da bò hơn 12 năm tuổi đã bị nhiễm bệnh chổi rồng. Ông Hậu cho biết: “Vào thời điểm bùng phát dịch (năm 2011), vườn nhãn của tôi bị bệnh chổi rồng tấn công, với tỷ lệ lên đến khoảng 90%. Vì vậy, coi như mất trắng mùa nhãn và phải tiến hành cắt bỏ toàn bộ đem tiêu hủy và xử lý hóa chất để tránh lây lan. Mặc dù nông dân áp dụng nhiều biện pháp phòng trị, nhưng do dịch bệnh chổi rồng trên nhãn diễn biến rất phức tạp, nên tỷ lệ nhãn phục hồi lại vẫn giữ ở mức thấp khoảng 50%, có hộ hiện vẫn còn mất mùa vì căn bệnh quái ác này”.
* Đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh
Với sức ép từ bệnh chổi rồng đang lây lan rất mạnh nhất là ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hiện, Hậu Giang cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực đang khẩn trương tổ chức, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp đồng loạt để phòng trừ nhằm tránh bệnh bùng phát và lây lan. Đến thời điểm này, các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có diện tích nhãn bị nhiễm bệnh đã làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân về cách phòng chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Khi dịch bệnh bùng phát, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn trên phạm vi toàn tỉnh để dập dịch. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ tổng hợp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, khuyến cáo bà con không nên phá bỏ vườn nhãn để chuyển sang trồng cây khác (theo phong trào) nhằm tránh thiệt hại về sau và giữ vững diện tích trồng nhãn, vì nhãn là một trong những loại trái cây đặc sản của địa phương.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Ngọc Thể cho hay: Hiện tại, chi cục đã đưa ra quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn và gửi về các phòng nông nghiệp của các địa phương nhằm hướng dẫn nông dân có biện pháp phòng trừ hiệu quả và giúp các nhà vườn an tâm sản xuất. Theo đó, nông dân cần cắt tỉa cành sau thu hoạch để loại bỏ mầm bệnh và nhện cư trú trên lá, tưới nước đầy đủ, bón phân cân đối, hợp lý, tránh bón nhiều đạm làm bộ lá phát triển và ra lá không tập trung tạo điều kiện cho nhện và bệnh phát triển, thường xuyên thăm vườn, khi phát hiện chồi bị nhiễm bệnh phải tiến hành cắt bỏ, tiêu hủy và phun thuốc trừ nhện…
Cũng theo ngành nông nghiệp tỉnh, để khống chế được bệnh chổi rồng thì công tác phòng chống cần phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… Từ đó, việc phòng, chống bệnh chổi rồng trên nhãn của bà con nông dân sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, tác nhân gây bệnh chổi rồng trên nhãn là do vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria. Vi khuẩn này không thể nuôi cấy, sống trong mạch dẫn của cây, đặc biệt là trên các đọt non, hoa. Đây là loại vi khuẩn chưa được định danh và cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định loài vi khuẩn gây bệnh. Bệnh được lan truyền qua trung gian truyền bệnh là nhện lông nhung, rất khó phát hiện bằng mắt thường. Chúng phát triển và gây bệnh mạnh nhất trong những tháng mùa nắng. Khi đó, nhện truyền bệnh rất sớm từ chồi non và nụ hoa mới nhú. Đồng thời, khi hết lá non, chúng còn tấn công trên lá già để vi khuẩn này lưu tồn và sẽ tấn công khi cây tiếp tục ra lá non đợt tiếp theo. |