Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nơi nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn

(23:56:22 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Ở các xã bãi ngang ven biển tỉnh Phú Yên, vùng nuôi trồng thủy sản, bãi cát hoang hóa dạng bán sa mạc nên nguồn nước đa phần nhiễm mặn, nhiễm phèn, ô nhiễm hữu cơ.

ca chet do nuoc ban

Cá chết do nguồn nước bẩn

Quá ít công trình nước sạch

 

Phú Yên có năm xã bãi ngang thuộc ba huyện ven biển là Sông Cầu, Tuy An, và Đông Hòa. Trong số này có ba xã thuộc diện ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, đến nay, dân nơi đây vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch để đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

 

 

Chúng tôi đến xã An Ninh Tây (Tuy An) khi mà mùa khô vừa đi qua nhưng có vẻ như, ở đây,  dân vẫn phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt.

 

 

Lão ngư Ba Dền vừa trở về sau chuyến đi biển buồn rầu nói, mùa này đỡ rồi, chứ vào mùa khô, muốn kiếm chút nước sạch phải chen lấn giành nhau hoặc phải mua với giá cao.

 

 

Không chỉ riêng vùng bãi ngang, ngoài Tuy An kia kìa, nhiều nhà vẫn cắn răng mua nước với giá 15.000 đồng/m3, Ba Dền chỉ tay ra xa mà ngao ngán.

 

 

Có lẽ, trong số năm xã bãi ngang ven biển ở Phú Yên chỉ duy nhất An Ninh Tây là may mắn có được một công trình nước sạch. Nhưng, với công suất hiện nay, nó cũng chỉ như muối bỏ bể.

 

 

Ông Nguyễn Hoàng Phó, Chủ nhiệm Hợp Tác xã Nông nghiệp An Ninh Tây – đơn vị quản lý, khai thác công trình nước sạch này từ năm 2006, cho biết, vì mới được đầu tư nâng cấp nên công trình đang phát huy được tác dụng, giúp xử lý nguồn nước nhiễm phèn và hữu cơ bằng cách lắng lọc cơ học. Tuy nhiên, nó cũng chỉ giải quyết nước sạch được cho hai thôn trong khi toàn xã có tới 5 thôn với số dân hơn 3.000 người.

 

 

Chẳng khác gì An Ninh Tây, xã miền biển An Hải (Tuy An) cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

 

 

Ông Nguyễn Lam, trưởng thôn Đồng Môn, bức xúc mùa mưa thì đối mặt với bão, lũ, ngập úng, mùa khô thì sống chung với khát – đúng là một vòng luẩn quẩn.

 

 

Những lúc như vậy, tôi phải huy động tất cả những gì có thể trữ được nước như thùng phuy, xô, chậu, thậm chí cả nồi, xoong...đi xin nước ở các xã lân cận.

 

 

Nhưng mọi cố gắng cũng chỉ giải quyết được nhu cầu nước sạch tối thiểu cho con người, còn gia súc, gia cầm, vật nuôi uống đỡ nước lợ, nước nhiễm phèn.

 

 

Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, nguồn nước ngầm tại các thôn bãi ngang ven biển Phú Yên còn bị nhiễm mặn do xâm thực hoặc cạn kiệt.

 

 

Hàng trăm giếng đào vốn đã thiếu và cũ nát lại luôn trong tình trạng dọa cạn đáy khiến dân không thể yên tâm. Họ phải tìm ra đủ mọi cách khác nhau để giải quyết bài toán thiếu nước.

 

 

Những người già sống lâu năm ở các xóm bãi ngang cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng cạn nước là do tình trạng khoan giếng lấy nước nuôi tôm không theo quy hoạch đã làm phá vỡ mạch nước ngầm, sụt lún các tầng địa chất, khiến quá trình xâm nhập mặn diễn ra ngày một nhanh hơn.

 

Bao giờ hết khát?

 

 

Đem câu hỏi này đến Trung tâm Nước Sinh hoạt&Vệ sinh Môi trường Nông thôn (VSMTNT) tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Đình Lai, Giám đốc Trung tâm, lý giải, so với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, nguồn vốn đầu tư cho các công trình nước sạch và VSMTNT của tỉnh Phú Yên rất ít ỏi, nó chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu của địa phương.

 

 

Nếu căn cứ theo kế hoạch của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch& Vệ sinh Môi trường Nông thôn, năm 2010, Phú Yên cần tới 30 tỷ đồng để triển khai xây dựng các công trình nước sạch và VSMTNT.

 

 

Nhưng, với số tiền bốn tỷ đồng cho một năm như hiện nay, đến 90% hồ sơ đã hoàn thành cũng đành phải đắp chiếu. Vấn đề trước mắt là ưu tiên đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn.

 

 

Dự kiến, năm tới, bằng mọi giá phải huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng một công trình nước sạch cho hai xã An Dân (Tuy An) và Xuân Thọ 2 (Sông Cầu) – nơi người dân đang thực sự khốn khổ vì tình trạng nước sạch đắt như vàng.

 

 

Ngoài nguyên nhân về thiếu nguồn vốn đầu tư, một lý do khác khiến nhiều công trình nước sạch tại tỉnh Phú Yên chưa phát huy được tối đa hiệu quả là do đơn vị tư vấn chưa đủ mạnh, cán bộ chuyên môn thiếu.

 

 

Bên cạnh đó, khả năng quản lý sau công trình để đem lại hiểu quả cao cũng không được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức nên rất nhiều công trình sau khi khai thác đã nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp.

 

 

Theo khảo sát, toàn tỉnh Phú Yên hiện có 50 công trình nước sạch nhưng chỉ năm công trình trong số này là thu đủ bù chi, thậm chí là có lãi. Qua quá trình khai thác, rất nhiều công trình đã xuống cấp và hư hỏng nhưng chưa thể khắc phục do nguồn thu từ việc kinh doanh nước không đủ để sửa chữa.

 

 

Trong khi đó, nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch&Vệ sinh Môi trường Nông thôn lại ít ỏi, chỉ ưu tiên cho đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng các công trình tại những vùng đặc biệt khó khăn.

 

 

Như vậy, sẽ có nghịch lý xảy ra một bộ phận không nhỏ dân chưa được tiếp cận nguồn nước sạch từ các công trình được xây dựng ngay tại địa phương mình!

 

 

Từ nay đến năm 2010 là khoảng thời gian quá ngắn, trong khi tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu phải đạt tỉ lệ 75% số dân được sử dụng nước sinh hoạt đạt chuẩn hợp vệ sinh, theo định mức tối thiểu 60 lít/người/ngày.

 

 

Đây là điều rất khó trở thành hiện thực nếu tỉnh Phú Yên không thể huy động được các nguồn lực đầu tư cho những vùng thuộc diện ưu tiên, như vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển.

Nguyễn Thiên