Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đặc sản chuột quê "trắng muốt" béo ngậy

(11:24:55 AM 18/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Về làng Tú Đôi (thôn 1, xã Kiến Quốc, Kiến Thụy, Hải Phòng) dự đám cưới anh bạn, trên mâm cỗ, một đĩa chuột trắng muốt, béo ngậy nằm chềnh ềnh. Định gác đũa, bỏ bát, chạy, anh bạn cùng mâm giật lại, cứ thưởng thức đi rồi sẽ bị “nghiện” đấy.

 

Bốc đưa tôi một con chuột trắng muột chừng 2-3 lạng, anh thúc tôi ăn thử. Thấy tôi còn ngần ngừ, anh giải thích, hiện nay, món thịt chuột được chế biến theo nhiều kiểu và ướp nhiều loại gia vị khác nhau như sả, ớt... Nhưng người sành như anh em mình chỉ chọn món luộc chấm muối trắng, có thể thêm chút lá chanh thái chỉ, bởi đó là cách ăn giúp giữ được vị “nguyên bản”.

 

Công phu chế biến chuột

 

Chiều cùng ngày tận mắt chứng kiến những kỹ thuật tinh tế trong cách săn bắt, chế biến món được gọi là “gà đồng” của anh Đào Xuân Hới, một “chuyên gia” về săn bắt và chế biến chuột tại làng, chúng tôi không khỏi bị mê hoặc.
 

 

 Sau khi tuốt sạch lông, chuột trông khá hấp dẫn

 

Lệ khệ bê một bao tải chừng 10 kg chuột đồng, tay cầm gáo nước dội đều xung quanh, anh cười cho biết: “Làm sạch lông chuột rất dễ, chỉ cần dội nước nóng khoảng 700c lên bao tải. Sau đó lôi chúng ra, tuốt nhẹ lông, để lộ lớp da trắng muốt. Làm sạch số lông còn lại, cắt bỏ tuyến hôi nằm ở dưới bẹn cho vào luộc, rồi đem treo lên cho ráo nước, sau đó chế biến là ăn được”.

 

Với kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề săn chuột và chế biến chuột, anh Hới chia sẻ, phần ngon nhất của con chuột nằm ở bộ da vì lớp mỡ dưới đó rất ngậy, ăn không ngán, nên quy trình làm lông cần chú ý không để tuột mất. Nhiều người không biết ăn, bỏ phần này đi là mất hết hương vị thịt chuột.


 

 Sau khi  làm sạch, chuột cho vào nồi luộc là có món thịt chuột thơm phức

 

Để hương thịt chuột thực sự dậy mùi, khi chế biến, nhét là ré tước nhỏ vào bụng chuột để nó căng phồng lên cho đẹp và thơm. Tuy nhiên, cách chế biến của anh Hới là không dùng bất kỳ gia vị bổ sung nào để thịt chuột mang vị đặc trưng của chuột đồng.

 

Chưa đầy 3 tiếng, hơn 10 kg chuột được anh làm sạch tươm. Cho vào nồi luộc với chút muối trắng, chừng 15 - 20 phút, thịt chuột chín tới, chúng được vớt ngay ra rổ và để khô tự nhiên. Chừng hơn 2 tiếng đồng hồ, da chuột khô, không dính tay là có thể chấm gia vị ăn. Muốn ăn các món khác thì chỉ cần chặt ra chế biến là được.

 

Bốc đưa tôi một con chuột trắng muột chừng 2-3 lạng, anh thúc tôi ăn thử. Thấy tôi còn ngần ngừ, anh giải thích, hiện nay, món thịt chuột đang được chế biến theo nhiều kiểu và ướp nhiều loại gia vị khác nhau như sả, ớt... Nhưng người sành như anh em mình chỉ chọn món luộc chấm muối trắng, có thể thêm chút lá chanh thái chỉ, bởi đó là cách ăn giúp giữ được vị “nguyên bản”.

 

“Nếu cậu muốn đổi vị thì tôi làm món áp chảo và giả cầy, nhưng thường thì chuột rán sẽ có mùi khét vì da chuột rất mỏng, mỡ cháy nhanh”, anh Hới chia sẻ

 

Theo mùa ăn chuột
 

Theo những tay săn chuột trong làng Tú Đôi, thịt chuột ngon nhất là vụ tháng 10 (âm lịch), vì lúc này thời tiết hanh khô, da chuột mỏng, chuột ăn lúa, nên rất nạc. Còn vào vụ tháng 5 (âm lịch), do thời tiết nóng, ẩm, nên da chuột không ráo, ăn thịt không ngon.


 

Không muốn ăn luộc , thịt chuột còn được chế bến thành nhiều món khác 

 
Một thợ săn cho hay: “Sau tháng 10 (âm lịch), loại chuột ngon như: cống vàng và chuột đất không sinh sản, nếu có sinh, chúng cũng cắn chết con như sợ rằng con cái không có gì để ăn.

 

Trong quá trình chế biến chuột, nước luộc chuột là món bổ dưỡng khó bỏ qua. Sau vài tiếng nồi nước luộc của anh Hới đông lại, tôi xới một bát cơm nóng, chan thêm vài muôi. Quả khá lạ miệng.

 

Anh Hới cho biết, vì giá trị dinh dưỡng này, người ta thường mang một đôi chuột đến thăm phụ nữ mới sinh để bồi bổ sức khỏe.

 

Tại khu chợ cạnh làng Tú Đôi, tuy chưa phải mùa chuột ngon, nhưng người dân bày bán đông đúc. Giá khá rẻ, mỗi cân chỉ khoảng 45.000 đồng. Theo một chị bán hàng trong chợ cho biết, một ngày săn chuột về bán, gia đình cũng kiếm trên 300.000 đồng.

 

Những người săn chuột như anh Hới đều tâm niệm rằng, nghề của họ là để bảo vệ mùa màng chứ không đơn giản là công việc kiếm thực phẩm thông thường. Họ không quản ngại đến các tỉnh xa theo lời mời của chính quyền địa phương.


 

 Anh Hới quan  niệm săn chuột về  ăn còn để bảo vệ mùa màng

 

 

Và mỗi chuyến đi, một đội thường có 3 - 4 người, họ thay phiên nhau săn và vận chuyển “chiến lợi phẩm” về quê để chế biến theo đơn đặt hàng từ nhiều nơi gọi về.

 

“Vui lắm, mỗi khi đi bắt chuột xa là bà con ở đó tiếp đón nồng nhiệt, mình không phải lo chỗ ăn nghỉ”, anh Hới hồ hởi. 

 

Các làng có truyền thống săn chuột hàng đời nay nằm rải rác khắp thôn quê Việt Nam như: Cổ Dũng (Kim Thành, Hải Dương); Tú Đôi (Kiến Thụy, Hải Phòng); Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Tây); Văn Giang (Hưng Yên) … Tại những miền quê này, đám cưới chỉ thực sự thịnh soạn khi có món thịt chuột.

(Theo ĐVO)