Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nghề lặn đất thuê

(08:55:32 AM 18/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Một chiếc thùng thiếc, một chiếc xe đạp và một sức khỏe dẻo dai. Đó là điều kiện cần và đủ để họ theo nghề “lặn” đất thuê.

 

 

Theo nhiều người, đó là một nghề tự do, làm ngày nào “ăn” ngày ấy, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Chúng ta có thể bắt gặp họ chạy một mình, nhưng cũng có lúc thấy họ chạy thành từng đoàn người. Nếu ở một số nơi khi giới thương hồ muốn bán được hàng và muốn người ta biết mình bán hàng gì, họ thường sử dụng hình thức “bẹo” hàng, thì những người theo nghề lặn đất thuê cũng thế, họ cũng “bẹo” nghề để tìm khách. Chỉ cần nhìn thấy chiếc thùng thiếc buộc sau yên chiếc xe đạp cà tàng thì mọi người đều biết đó là những người hành nghề lặn đất thuê. Công cụ làm việc của họ nhất định phải có một chiếc thùng thiếc có hình tròn, rỗng hai đầu, một đầu có gắn đoạn gỗ tròn được bào rất láng dùng làm chỗ cầm để vác đất từ dưới lòng sông đem lên bờ. Và khi có nhu cầu khách hàng chỉ cần chạy ra đường và kêu í ới.

 

Bản hợp đồng bằng miệng sẽ được thiết lập ngay khi khách hàng và những người lặn đất thuê thỏa thuận giá cả, tiếp theo những người lặn đất thuê chỉ việc nhảy “tõm” xuống sông và thực hiện công việc của mình. Bằng cách làm đó họ có thể đạp xe hàng mấy chục cây số trên những miền quê, từ xã này sang xã kia, từ huyện này sang huyện kia mà không cần phải tốn một tiếng rao hay một lời cãi vã. Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, đôi lúc giữa khách hàng và những người lặn đất thuê còn tổ chức một bữa “nhậu” ra trò. Bữa tiệc đó vừa là tiệc ra mắt làm quen, nhưng vừa là tiệc chia tay vì cả khách và người lặn đất thuê đều hiểu rằng, đôi khi sau này trên đường đời mưu sinh, họ chẳng khi nào có dịp gặp lại nhau. 

 

Ông Bình với công việc lặn đất hàng ngày

 

Ông Đặng Vũ Bình, ở ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Theo nghề này từ tuổi mười lăm, nhọc nhằn, gian nan nhưng ngẫm lại thấy vui vì mình vẫn còn sống được với nghề. Với 30 năm trong nghề hầu như mọi ngõ ngách ở vùng đất Hậu Giang tui đều đã đặt chân đến. Cứ sáng sớm cơm nước xong đạp xe theo đoàn đi miết, thường thì chạy về những vùng quê còn nghèo, bà con còn có nhu cầu để tìm việc, đến chiều tối thì đạp xe về nhà. Mang tiếng làm thuê, nhưng được cùng anh em chu du khắp chốn thì còn gì bằng. Có ngày anh em tụi tui phải đạp xe 40-50km mới có người thuê, nhưng vẫn cảm thấy vui”. Nói xong, đôi tay “móp méo” vì phải ngâm nước quá lâu của ông Bình kẹp điếu thuốc lá đưa lên đôi môi cũng tím ngắt vì lạnh hít một hơi thật mạnh như cố sưởi ấm lòng mình. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, ông nói tiếp: “Nhà báo thông cảm nghe. Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng làm nghề này phải hút mới được nhà báo ơi! Hút để bớt lạnh mới làm nổi chứ”. Nói xong ông nhe răng cười, da mặt ông nhăn lại trên gương mặt đen sạm vì nắng, gió. Một nụ cười thân thiện, chứa chan tình người của một nông dân chân chất khiến người đối diện cảm thấy gần gũi, thân thương.

 

 

Anh Nguyễn Văn Điệp, ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Không nghề nghiệp, trước đây tui đi bán vé số nhưng thấy mình lành lặn, khỏe mạnh nên người ta ít chịu mua. Thấy tui thất nghiệp, anh Bình rủ đi theo đoàn lặn đất thuê cho người ta. Mới đầu vô làm đi xa, tối ngày phải ngâm mình dưới nước tui bệnh hoài, nhưng làm riết rồi quen. Có khi làm xong mình còn ướt nhẹp leo lên xe đạp chưa tới nhà thì quần áo đã khô rồi. Đi làm được anh em chia sẻ, giúp đỡ như người thân trong nhà, nên theo nghề đến giờ. Một ngày tui kiếm được 70.000-80.000 đồng cộng với số tiền vợ đi bán vé số cũng đủ lo cho hai đứa nhỏ ăn học”.

 

 

Được biết, bình quân một ngày một người lặn đất thuê lặn được 70-80 thùng đất, tùy vào đoạn đường xa hay gần, chỗ nước sâu hay nước cạn… mà giá có thể dao động từ 500-1.000 đồng/thùng. Được dịp chứng kiến công việc của họ mới thấy công việc lặn đất này khá vất vả. Khi gặp chỗ nước sâu, sau khi đã nhấn mạnh chiếc thùng lún xuống đất bùn, người lặn phải ngụp hẳn xuống nước để lôi chiếc thùng lên kê lên vai, bước từng bước chậm chạp trên chiếc cầu thang được bắc dưới bến sông để đem lên bờ. Thường thì gia chủ mướn họ lặn đất để đắp nền nhà, nền sân, lấp ao hoặc san bằng những mương nước có diện tích nhỏ gần nhà. Cứ thế, công việc của họ được lặp đi lặp lại hết chỗ này đến chỗ khác, từ nền nhà này đến nền nhà khác và ít nhiều họ đều nhớ mang máng để nếu lần sau có dịp đi ngang, họ liếc mắt nhìn những căn nhà mới, hay vườn cây ăn trái trĩu quả… trong lòng cảm thấy vui hơn bởi thành quả đó có phần công sức của mình.


 

 

(Theo Như Nguyệt - HGO)