Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên có tổng diện tích 70.548 ha nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Đây là rừng nhiệt đới ẩm ở vùng đất thấp, có cảnh quan đa dạng và hệ sinh thái rừng rất phong phú với hơn 1.362 loài thực vật bậc cao, 62 loài thú,
121 loài chim…
Công trình “độc nhất”
Ngoài ra, các phát hiện khảo cổ trong khu vực này đang đặt ra giả thuyết về một nền văn minh cổ đã tồn tại ở đây từ hơn 1.300 năm trước. Năm 2001, VQG Cát Tiên đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Năm 2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu (rộng 13.759 ha) được Tổ chức Các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế công nhận là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới và thứ hai của Việt Nam.
TS Vũ Ngọc Long (bìa phải), Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới,
trong một chuyến khảo sát Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A “cắt” 380 ha diện tích VQG Cát Tiên (trong đó 280 ha ngập vĩnh viễn, 100 ha làm mặt bằng và các công trình phụ trợ). Vị trí thực hiện dự án nằm cả trong vùng lõi và vùng đệm VQG Cát Tiên, cách khu Ramsar Bàu Sấu 25 km. Theo ông Trần Văn Mùi, Phó Ban Thường trực Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, dự án nằm trong khu vực trọng yếu có ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học của toàn khu vực. Hai dự án là bậc thang thủy điện thứ 7 trên sông
Đồng Nai.
Theo quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai, đến thời điểm này đã có 8 bậc thang với 12 thủy điện trên dòng chính. Trong số đó, 2 dự án Đồng Nai 6 và 6A đang chờ chủ trương đầu tư, cũng được đánh giá là 2 dự án “nguy hiểm” nhất.
Các bộ “chuyền bóng”
Hai dự án thủy điện này gây khá nhiều tranh cãi trong xã hội, song cách giải quyết của các cơ quan chức năng liên quan không khỏi khiến người ta lo lắng.
Trong phiên chất vấn sáng 14-6, trả lời các đại biểu Quốc hội về vấn đề của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết phải chờ thẩm định thông qua đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường vì đánh giá tác động môi trường cũ làm sai.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định nếu đánh giá tác động môi trường xấu sẽ không làm thủy điện. Tuy nhiên, trước đó, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết lý do trả lại báo cáo đánh giá tác động môi trường là vì dự án thuộc danh mục điều chỉnh theo Nghị quyết 49 của Quốc hội, phải do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Khi Quốc hội chưa thông qua, bộ sẽ không thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khi đó, các đại biểu Quốc hội cho biết chưa nhận được thông tin chính thức của 2 dự án từ Chính phủ.
Bên cạnh Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT cũng được Chính phủ giao trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu về 2 dự án này. Tuy nhiên, không đi khảo sát thực tế, chỉ nghe cấp dưới báo lên, thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã vội ký văn bản “ủng hộ” trả lời Chính phủ rằng dự án ít tác động đến VQG Cát Tiên.
Thông tin mới nhất từ Ban Quản lý VQG Cát Tiên cho biết vừa nhận được công hàm của UNESCO thông báo chấp thuận về mặt kỹ thuật hồ sơ của Việt Nam về công nhận VQG Cát Tiên trở thành Di sản Thiên nhiên Thế giới. Dự kiến trong năm nay, UNESCO sẽ thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá tại VQG.
Thủy điện phải hoàn trả rừng
Ngày 15-6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về việc vận hành hồ chứa, phòng chống lụt bão của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ chỉ mới trồng được hơn 24 ha, chỉ bằng 1/10 diện tích rừng cần trồng để hoàn trả môi trường theo quy định. Riêng dự án thủy điện An Khê - KaNat nắn dòng, sử dụng nguồn nước sông Ba nhưng lại trả về sông Kôn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, các địa phương cần phải xác định nguồn đất để nhà máy trồng rừng theo kế hoạch. Riêng đối với dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện cần thống nhất quy chế phối hợp vận hành hồ chứa để bảo đảm lượng nước xả hợp lý cả mùa lũ và mùa khô, ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp.
H.Ánh