Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nuôi cá mú gây ô nhiễm nước

(23:56:12 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Ở huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), do chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên việc các hộ tự phát lập lồng cá với mật độ dày đã khiến Lạch Dù bị ô nhiễm nặng.

nuoi ca mu tren be


Nuôi cá mú trên bè



Ông Nguyễn Văn Trị, phó chủ tịch huyện đảo Phú Quý, cho biết Phú Quý được đánh giá là một trong những vùng nuôi cá mú bằng lồng bán tự nhiên lớn nhất Việt Nam hiện nay, với 103 cơ sở nuôi trồng bằng lồng bè trên diện tích hơn 19.000 m2; tổng đàn giống nuôi hiện nay trên 85.000 con chủ yếu cá mú đỏ, mú cọp và cá giò. Bình quân hàng năm bà con xuất bán trên 60 tấn sản phẩm, đạt doanh thu từ 20 đến 30 tỷ đồng.



Tuy nhiên, với diện tích mặt nước được cho phép nuôi quá hạn chế nên hiện nhiều hộ không thể mở rộng sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Linh, trưởng phòng kinh tế, cho biết ở huyện đảo Phú Quý chỉ có Lạch Dù là phù hợp nhất cho nghề nuôi cá mú trên lồng bè, do không có sóng lớn và có mực nước sâu vừa phải.


Do chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên việc các hộ tự phát lập lồng cá với mật độ dày đã khiến Lạch Dù bị ô nhiễm nặng. Rác thải sinh hoạt của hàng trăm người lao động trên các lồng bè đều được tuồn xuống biển.

 

Thức ăn do cá ăn không hết cũng hòa tan trong nước biển một lượng khá lớn. Tất cả những chất thải đó làm nguồn nước bị ô nhiễm, gây dịch bệnh cho cá, khiến tỷ lệ cá bị chết tăng lên trong 2 năm gần đây.



Để nghề nuôi cá mú trên lồng bè ở Phú Quý phát triển bền vững, huyện đảo đang quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè tập trung, hướng dẫn người nuôi cá kỹ thuật nuôi cùng các dịch vụ đi kèm trong việc cung cấp con giống, thuốc chữa bệnh cho cá…

 

Theo quy hoạch, ngoài khu vực Lạch Dù hiện đang nuôi, huyện không cho phép hộ nuôi phát triển ở bất cứ khu nào khác vì không đảm bảo điều kiện để nuôi một cách bền vững.


Huyện đảo cũng sẽ mở rộng những vùng có đủ độ sâu và ít bị tác động của sóng gió nhưng phải đảm bảo việc đi lại và neo đậu của tàu thuyền đánh bắt hải sản. Để tạo điều kiện thêm cho hộ nuôi, những vị trí còn trống sẽ cho xen vào thêm một số bè mới. Đây được xem là phương án khả thi đảm bảo các yếu tố thuận lợi cho nghề nuôi cá phát triển trong điều kiện hiện tại của Phú Quý.



Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Trị, huyện đã chỉ đạo các ngành như nông nghiệp, vệ sinh đô thị, tăng cường kiểm tra, xử phạt các lồng bè gây ô nhiễm nguồn nước. Mỗi lồng bè đều phải có thùng chứa rác thải, thức ăn thừa khi nuôi cá. Rác thải phải được vận chuyển vào bờ, đưa đi xử lý...

 

Đồng thời vận động người dân nuôi cá gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường. Chỉ có những biện pháp kiên quyết như vậy mới có thể bảo vệ được môi trường biển ở vùng nuôi cá lồng bè của huyện.

Nguyễn Thanh