Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ với những giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO vinh danh như khẳng định của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chính là "tài nguyên du lịch ngoại hạng, vượt ra khỏi tầm quốc gia". Tuy nhiên, do nằm trong vùng "cắt tour" của các tuyến du lịch, cộng với cơ sở hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế nên Thành nhà Hồ chưa phải là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. Theo thống kê, năm 2011, Thành nhà Hồ mới chỉ đón 16.000 lượt khách (trung bình mỗi ngày 10-15 lượt khách), chiếm phần lớn trong số đó là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa chứ chưa có nhiều khách đi tour hay khách nước ngoài.
Ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết: Lượng khách ít là điều đáng buồn nhưng nếu khách đông thì điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng cũng chưa thể đáp ứng được. Thị trấn Vĩnh Lộc, nơi dừng chân, ăn nghỉ của du khách khi đến Thành nhà Hồ hiện mới có 10 nhà nghỉ, phục vụ hết công suất cũng chỉ đáp ứng được vài trăm khách. Mặt khác, di sản nằm giữa cánh đồng, xung quanh là làng mạc nên giao thông đi lại gặp khó khăn.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thông qua phát triển du lịch nên ngay sau khi Thành nhà Hồ được ghi tên trên bản đồ di sản thế giới, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng phục vụ du lịch. Nhiều hạng mục công trình được triển khai đồng bộ, như: Xây dựng nhà trưng bày, chỉnh trang lại các tuyến đường khu vực Thành nhà Hồ và đường nội bộ khu vực thị trấn Vĩnh Lộc, các tuyến quốc lộ 45, 217 đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Lộc; xây dựng bãi đỗ xe, lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, phân luồng xe, các điều kiện bảo đảm an ninh trật tự, điện chiếu sáng… Nhờ sự đầu tư có hệ thống này, lượng khách đến với di sản Thành nhà Hồ trong 5 tháng đầu năm 2012 là 11.000 lượt khách, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2011.
Mở rộng không gian văn hóa
Cùng với việc nâng cấp hạ tầng, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan hữu quan mở rộng không gian văn hóa để di sản Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận không còn là vùng lõm của du lịch. Đơn cử như việc tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực Cửa Nam, đường Hoàng Gia, Đông Thái Miếu, công trường đá An Tôn… Qua các cuộc khảo cổ này, nhiều "ẩn số" của Thành nhà Hồ đã được giải mã.
Ông Đỗ Quang Trọng nhận định: "Núi An Tôn chính là công trình khai thác đá xây dựng Thành nhà Hồ. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những viên đá được chế tác hoàn chỉnh chưa kịp chuyển đi cùng nhiều phiến đá lớn đã được bóc tách và đưa xuống chân núi, có kích thước, hình dạng tương đồng với các phiến đá tại Thành nhà Hồ, trong đó có nhiều viên đã được ghè, đẽo công phu, chế tác từ 3 đến 4 mặt phẳng, dấu vết đục đá vẫn còn khá rõ". Hiện vật xuất lộ khi khai quật đàn Nam Giao là ngói mũi sen, ngói âm dương, ngói bò, tiền đồng, đồ gốm cao cấp của Việt Nam, Trung Quốc... cho thấy sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia láng giềng với Việt Nam, giữa Nho giáo và Phật giáo... Như vậy, ngoài Thành nhà Hồ thì Cửa Nam, đường Hoàng Gia, Đông Thái Miếu, công trường đá An Tôn trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn, giúp du khách hiểu biết toàn diện hơn về Thành nhà Hồ và triều đại nhà Hồ trong lịch sử.
Để phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cho hay, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khôi phục hào thành, đàn tế Nam Giao, khôi phục các làng nghề truyền thống cũng như các phương thức sản xuất nông nghiệp, chú trọng khai thác các điểm đến lân cận như: Đền thờ Trần Khát Chân, chùa Giáng, nhà cổ… Do đó, du khách đến tham quan Thành nhà Hồ có thể ở lại nhà dân khu cổng Nam, cổng Đông và cổng Tây dưới hình thức homestay. Tương lai xa hơn, Thanh Hóa sẽ khôi phục lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian; múa hát cung đình.
Đánh giá cao kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa, nhưng ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, muốn phát triển du lịch Thành nhà Hồ theo hướng bền vững, Thanh Hóa phải chú trọng làm tốt công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, bởi còn nhiều giá trị chưa được làm rõ. Với những nỗ lực trên, dự kiến năm 2015, Thành nhà Hồ sẽ là điểm đến của trên 35.000 lượt khách.