Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Về tấm bia Thiên Liêu Sơn tại di tích Tam Bảo địa

(16:31:42 PM 13/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Di tích Tam Bảo địa (đất Tam Bảo) nằm tại chân núi Thung (xưa gọi là núi Thiên Liêu), thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông Triều (ảnh).

 

 

Bia Thiên Liêu sơn, Tam Bảo địa được khắc trực tiếp vào vách núi, bia được phát hiện năm 1990 trong tình trạng bị chôn ngập trong đất, kích thước 1,2m x 0,8m. Trán bia và xung quanh bia không trang trí hoa văn, khắc chữ Hán kiểu chữ triện, nét rất hoạt. Trên trán bia khắc ba chữ nổi theo hàng ngang từ phải qua trái là Thiên Liêu Sơn (núi Thiên Liêu), giữa lòng bia khắc ba chữ nổi to choán hết phần lớn mặt bia từ trên xuống là Tam Bảo địa (đất Tam Bảo). Hai bên khắc mỗi bên 3 dòng chữ Hán, khắc nhỏ theo hàng dọc từ phải qua trái. Bia khắc một mặt, hiện còn đọc được 133 chữ (gồm cả 6 chữ đầu đề) khoảng 24 chữ bị mòn mờ. Nội dung bia cho biết có vị được vua Trần ban quốc tính là Trần Khắc Chung và vợ là Bảo Hoàn công chúa cùng trang Ma Liêu làm của Tam bảo.

 

Trang Ma Liêu (nay là xã Yên Đức, huyện Đông Triều) là đất đai của Trần Khắc Chung và vợ ông - công chúa Bảo Hoàn. Trần Khắc Chung là quan to của triều Trần, có nhiều công lao trong các việc nội trị và ngoại giao. Lý do để đưa ông vào hàng tôn thất, được ban quốc tính từ họ Đỗ sang họ Trần, được vua gả cho công chúa Bảo Hoàn và được phong thái ấp ở Đông Triều, đó là đã lập công trong chuyến đi cầu hoà với quân Nguyên đầy nguy hiểm trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ ba. Trần Khắc Chung làm quan dưới ba triều vua Trần: Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông.

 

Trang Ma Liêu vốn là đất phong của cha mẹ công chúa Bảo Hoàn, nhưng do khi người Nguyên vào cướp nước, cha mẹ Bảo Hoàn hàng giặc nên tài sản, ruộng đất đều bị tịch thu sung công. Đến khi vua Trần Anh Tông lên ngôi, đã quyết định trả lại cho Trần Khắc Chung, nên khi được sử dụng điền sản đó ông đã không dùng để thờ cúng cha mẹ vợ mà tiến đất ấy vào chùa làm của Tam bảo, giao cho nghĩa đệ là sư Hương Lâm trụ trì, trưởng nam của viên An phủ sứ Nghệ An là Trần Nguyên Trưng làm giám thủ, trông nom Tam bảo, phụng sự hương hoả.

 

Tấm bia này rất có giá trị, là tài liệu duy nhất nói về tình hình điền sản của Trần Khắc Chung ở Đông Triều mà ở các sách sử khác chưa từng đề cập tới. Bia được dựng vào năm Thiệu Phong thứ 8 (1348), đời vua Trần Dụ Tông. Chữ “nguyệt” trên bia trong dòng lạc khoản (ghi năm dựng bia) được khắc theo lối kiêng huý thời Trần: bớt một nét ở giữa, cho thấy đây là tấm bia có niên đại khá sớm ở khu vực này. Thiết nghĩ, tấm bia rất cần sớm được chỉnh lý, dịch chú để khai thác, nghiên cứu.

Trần Thuỳ Chi (BQL Các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh)