Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Độc đáo văn hoá biển Quảng Ninh

(09:36:37 AM 13/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Từ xưa tới nay, biển luôn là một thách thức của tự nhiên nhưng đồng thời lại mở ra một không gian phát triển mới cho cư dân Quảng Ninh. Cùng với sự tồn tại của con người, văn hoá biển hình thành, giao lưu và phát triển hàng nghìn năm qua đã tạo nên truyền thống riêng có ở vùng đất này.

 

Di tích Hòn Hai - Cô Tiên (TP Hạ Long), nơi ghi dấu con người từ hậu kỳ đá mới kéo dài đến thời đại kim khí.
Di tích Hòn Hai - Cô Tiên (TP Hạ Long), nơi ghi dấu con người từ hậu kỳ đá mới kéo dài đến thời đại kim khí.

 

Tìm lại dấu xưa

 

Những nghiên cứu cho thấy, giai đoạn biển tiến vào đất Quảng Ninh được xác định thuộc hậu kì đá mới, cách ngày nay khoảng 5.000 - 4.000 năm. Biển tiến đã mang đến cho con người thời tiền sử một sức sống mới. Khí hậu trước đây khô lạnh nhờ làn gió biển bắt đầu ấm dần lên, nguồn thức ăn cũng phong phú lên nhiều với dấu vết hoá thạch còn lại đến ngày nay là vỏ các loại sò, ốc, xương cá nước mặn ven bờ thay thế cho các loại ốc, xương cá nước ngọt trước đó. Không chỉ nguồn thức ăn, nơi cư trú của người tiền sử nơi đây cũng thay đổi, chuyển từ các hang đá lạnh lẽo, u tối ra ngoài trời sinh sống. Dấu vết của con người giai đoạn này hiện nay đều tìm thấy ở các di tích thuộc vùng cửa sông - biển rộng lớn, như Móng Cái có các di tích Thoi Giếng, Thôn Nam, gò Mả Tổ; Tiên Yên có Hòn Ngò; Vân Đồn có Ba Vũng, Vạn Yên, Đông Trong, Soi Nhụ…; Cẩm Phả có hang Bái Tử Long, Hoành Bồ có Đống Dài, Xích Thổ; Hạ Long có Tuần Châu, Vườn Hoa, Cọc Tám, Thành Đội, Hòn Hai - Cô Tiên...

 

Thích ứng với môi trường mới, người cổ ở đây đã biết tạo ra những công cụ để khai thác biển như lưới bắt cá, công cụ có mũi nhọn đào bới hải sản cố định (sò, ốc, hà...). Đặc biệt, cư dân cổ khi đó đã chế tác ra công cụ đá với những chiếc rìu có vai có nấc, đây là công cụ rất hữu hiệu để sáng tạo ra những chiếc bè, mảng và thuyền nhỏ. Dấu ấn mạnh mẽ của văn hoá biển khi đó - văn hoá Hạ Long cũng được thể hiện rất rõ trong chế tác đồ gốm với việc sử dụng vỏ nhuyễn thể biển để tạo xương gốm, sáng tác ra hoa văn sóng nước, hoa văn in lưng sò và trang sức bằng vỏ ốc biển. Ngoài việc khai thác biển mạnh mẽ, cư dân giai đoạn này đã thể hiện tính giao lưu rõ nét nhờ biển. Bởi lẽ, sưu tập rìu có vai, có nấc xuất hiện ở nhiều vùng đảo trong khu vực nhưng tập trung ở vùng văn hoá Hạ Long nhiều nhất về số lượng, loại hình phong phú nhất, chất lượng tốt nhất, và có cả những loại rìu, trang sức bằng đá ngọc...

 

Sau văn hoá Hạ Long là văn hoá thời kỳ kim khí, người Quảng Ninh vẫn vươn ra biển để tồn tại và phát triển. Di tích Bồ Chuyến (Đại Yên, TP Hạ Long), Đầu Rằm (Hoàng Tân, Quảng Yên) thuộc giai đoạn Phùng Nguyên - Đông Sơn đã phát hiện những hiện vật gốm trang trí hình sóng nước, chữ S đã cho thấy sức mạnh của biển được cư dân giai đoạn này đặc biệt tôn thờ. Các nhà khảo cổ cũng đã sưu tập được nhiều công cụ để khai thác biển như bộ lưỡi câu rất lớn, rồi chì lưới, lao ngạnh; nhiều dấu tích thức ăn từ biển như cồn hà, sò điệp, xương cá, rùa.v.v đã có niên đại từ 3.500 năm đến 2.000 năm cách ngày nay. Nhờ khai thác biển nên các bộ lạc thời đại kim khí ở Quảng Ninh rất hùng mạnh, nhiều nhà khảo cổ đã nghiên cứu và nhận định đây chính là một mũi quan trọng tiến vào khai phá vùng châu thổ góp phần tạo dựng nền Văn minh sông Hồng.

 

Đến thời kỳ lịch sử, các nhà khoa học hôm nay đã phát hiện lò gốm Tuần Châu có niên đại thế kỷ VII - IX, cùng với đó, những dấu vết của hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn ở nhiều điểm di tích khác đã cho thấy từ biển, nhờ biển, cư dân Quảng Ninh nói riêng, cư dân Đại Việt nói chung đã mở rộng quan hệ giao thương của mình đi nhiều nước trên thế giới...

 

Như vậy là, dù ở giai đoạn nào thì dấu ấn văn hoá biển vẫn thể hiện đậm nét trong đời sống cư dân. Cư dân cổ ở vùng đất này từ thời sơ khai đã tái hiện một cách tinh tế vẻ đẹp của biển trời, của sơn thuỷ hữu tình qua các hiện vật để lại trên gốm Hạ Long, gốm Bồ Chuyến, gốm Hoàng Tân... Trống đồng Quảng Chính, một trong những chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất Việt Nam đã thể hiện những con chim biển, những chiếc thuyền với người chèo thuyền rất sống động như đang vươn ra biển khơi đầy thách thức. Trong các điêu khắc đình, chùa cổ, gốm cổ trên đất Quảng Ninh xưa, ta thấy những mảng điêu khắc thể hiện hình ảnh con cua, con tôm, cái tép rất sinh động và gần gũi với cuộc sống khai thác biển; ngay trong Tháp tổ (Yên Tử) cũng có điêu khắc đá hình sóng biển lớp lớp; và trong đỉnh Nghị, một trong cửu đỉnh đặt ở Thế Miếu, cố đô Huế ta thấy có cảnh sông nước Bạch Đằng hùng vĩ.v.v.

 

Ngoài ra, không thể không kể đến dấu ấn văn hoá biển còn lưu lại đến hôm nay trong các sáng tạo văn nghệ dân gian, đó là những bài ca dao, điệu hát dân ca bình dị nhưng độc đáo, mang bản sắc riêng như ca dao, dân ca Vạn Ninh (Móng Cái), Quan Lạn (Vân Đồn), hát chèo đường, hát đúm, hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long...

 

Giao lưu để phát triển

 

Trong lịch sử, khi mà biên giới trên đất liền của Đại Việt còn giới hạn thì rõ ràng biển Quảng Ninh đã trở thành một yếu tố quan trọng cho dân tộc Việt phát triển. Nhà Lý đã có hai quyết sách chiến lược có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc, đó là dời đô về Thăng Long và lập thương cảng quốc tế ở Vân Đồn. Trong hơn 1.000 năm đô hộ, tất cả những vùng cửa sông biển lớn đều bị phong kiến phương Bắc phong toả. Vì vậy, việc lập thương cảng Vân Đồn đã tạo điều kiện quan trọng cho dân tộc phát triển, trở thành quốc gia Đại Việt hùng mạnh.

 

Nhưng từ trước đó, với địa thế tự nhiên lưng tựa vào núi, hướng mặt ra biển lại ở vùng biên giới nên ngay từ thời tiền sử, Quảng Ninh đã là nơi đón những luồng văn hoá từ vùng đảo Đông Nam Á và vùng lục địa. Vì vậy, tính chất giao lưu rất lớn, chủ yếu theo con đường biển. Những sản vật biển của Quảng Ninh như ngọc trai, bào ngư.v.v. do vậy đã có mặt ở một số quốc gia láng giềng từ rất sớm. Việc giao thương rõ ràng đã có từ trước khi thương cảng Vân Đồn được chính thức thành lập từ rất lâu mà hiện vật ngày nay đã tìm được ở mộ cổ Đá Bạc hay gốm Tuần Châu cũng từng tìm thấy ở Hội An... đã thể hiện tính chất giao lưu rất rõ.

 

Như vậy, văn hoá biển Quảng Ninh đã có sự giao lưu, phát triển liên tục từ xưa đến nay, đây cũng chính là hành trang, là động lực quan trọng để Quảng Ninh phát triển hôm nay và trong tương lai.

..............................................


(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của ông Trần Trọng Hà, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).

(Phan Hằng/ báo Quảng Ninh)