Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tiền Giang: Sai phạm lớn tại Nhà máy Nước Đồng Tâm

(08:27:13 AM 12/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ

 

Sáng 11-6, UBND tỉnh Tiền Giang đã họp báo thông báo kết luận thanh tra Công ty Cổ phần BOO Nước Đồng Tâm (gọi tắt là Công ty Đồng Tâm, gồm 40% vốn của UBND tỉnh Tiền Giang và 60% vốn của các nhà đầu tư ở TPHCM).
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, do phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong quá trình đầu tư Nhà máy BOO Nước Đồng Tâm do Công ty Đồng Tâm làm chủ đầu tư nên chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.

Không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ

Năm 2007, UBND tỉnh Tiền Giang dự báo đến năm 2010, các huyện nằm phía Đông của tỉnh sẽ hình thành 5 KCN, cụm công nghiệp nên cần đưa nước sạch về để phục vụ cho các KCN và người dân khu vực. Từ đề xuất của tỉnh Tiền Giang, ngày 14-2-2007, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao tỉnh Tiền Giang đầu tư xây dựng công trình mở rộng và nâng cao năng lực hệ thống cấp nước khu vực Gò Công (gọi tắt là dự án 170.000 m3 nước/ngày đêm), thế nhưng tỉnh Tiền Giang không triển khai dự án này mà kêu gọi đầu tư để thành lập dự án BOO.


Nhà máy Nước BOO Đồng Tâm đang hoàn thiện những công đoạn cuối

 

Theo kết luận thanh tra, dự án 170.000 m3 nước/ngày đêm có nhiều ưu điểm nhưng tỉnh Tiền Giang lại không chọn mà chọn dự án BOO làm thiệt hại cho ngân sách tỉnh. Cụ thể, sau khi Công ty Đồng Tâm thành lập, ông Trần Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (nay đã về hưu), đã ký hợp đồng số 41/BB-HĐ-UBND với công ty này, trong hợp đồng có nhiều điều khoản không có trong Luật Đầu tư nhưng lại không xin phép Thủ tướng Chính phủ.
 
Đơn cử, theo hợp đồng đã ký kết, từ tháng 7-2010, Công ty Đồng Tâm bắt đầu phát nước. Nơi tiếp nhận là nhà máy nước của Tiền Giang, giá nước mà tỉnh phải trả cho Công ty Đồng Tâm là từ 8.000 - 16.000 đồng/m³ theo lộ trình đến 20 năm sau, trong khi hiện tại người dân chỉ sử dụng nước với giá 4.500 đồng/m³.
Giá mua nước này là quá cao, trái với quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, theo cam kết trong hợp đồng, khi Công ty Đồng Tâm phát nước, dù Nhà máy Nước Tiền Giang có tiếp nhận hay không thì mỗi ngày tỉnh vẫn phải trả tiền 50.000 m³ cho Công ty Đồng Tâm. Theo tính toán, nếu phải tiếp nhận nước của Công ty Đồng Tâm thì mỗi năm, tỉnh Tiền Giang phải trích ngân sách bù lỗ khoảng 350 tỉ đồng.

Quyết toán khống, sai 165 tỉ đồng

Dự án Nhà máy BOO Nước Đồng Tâm có tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn một là xây dựng nhà máy và lắp đặt đường ống từ xã Bình Đức, huyện Châu Thành về  thị xã Gò Công, tổng vốn đầu tư là 1.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2 là kéo đường ống vào các KCN, cụm công nghiệp và hộ dân trong vùng.
Sau khi thanh tra vào cuộc đã phát hiện chủ đầu tư có đến 19 sai phạm trong thi công, đấu thầu, thẩm định phê duyệt, quyết toán. Cụ thể, về thiết kế bản vẽ thi công được triển khai không phù hợp với thiết kế cơ sở nhưng vẫn được thẩm định phê duyệt; thiết kế bản vẽ thi công được lập không đúng, lập dự toán không có căn cứ nhưng vẫn được chủ đầu tư phê duyệt.
Về đấu thầu, UBND tỉnh ký hợp đồng theo hình thức “Giá trị hợp đồng trọn gói” và thanh tra kết luận là không đúng theo quy định... Trong thi công, đơn vị thi công không thi công ống nối HDPE D800 có chiều dài 30 m nhưng vẫn thể hiện trên bản vẽ hoàn công và được chủ đầu tư quyết toán; quyết toán khống chi phí hỗ trợ đền bù tuyến ống băng tuyến sông Chợ Gạo...

Theo kết luận thanh tra, chỉ mới thanh tra một phần của dự án nhưng đã phát hiện số tiền chênh lệnh giá trị đầu tư thực tế so với quyết toán là hơn 165 tỉ đồng.

Trả lời câu hỏi khi thực hiện dự án, tại sao cơ quan tham mưu  cho tỉnh là Sở Tài chính mà không phải Sở Xây dựng hay Sở Kế hoạch - Đầu tư, ông Chiến cho biết bộ phận tham mưu giúp hình thành dự án này do ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, làm tổ trưởng và ông Lê Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Đồng Tâm, làm tổ phó. “Việc này là không đúng quy định nên mới có những sai phạm nghiêm trọng. UBND tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng toàn bộ những sai phạm trên”- ông Chiến nói.

 Chủ đầu tư khiếu kiện ra Trung ương

 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về nội dung kết luận thanh tra, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Tổng Giám đốc Công ty Đồng Tâm, cho rằng kết luận thanh tra quy trách nhiệm cho Tổng Giám đốc Công ty Đồng Tâm là chưa đúng vì toàn bộ hoạt động của công ty đều được thực hiện theo nghị quyết HĐQT, tổng giám đốc chỉ là người thi hành nghị quyết này.
Về việc tỉnh Tiền Giang đã tự lập lại tổng mức đầu tư dự án và cho rằng Công ty Đồng Tâm đầu tư “lố” 165 tỉ đồng, theo bà Trâm, tổng mức đầu tư dự án đã được Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm định và cũng đã được kiểm toán rõ ràng. Hơn nữa, Viện Kinh tế Xây dựng còn là đơn vị tham mưu cho Bộ Xây dựng về định mức đầu tư dự án cho cả nước.
Bà Trâm còn cho rằng tỉnh Tiền Giang muốn mua lại dự án của Công ty Cổ phần BOO Đồng Tâm nên chiếu theo nguyên tắc hợp đồng kinh tế thì hai bên thương lượng, vì vậy, việc tỉnh Tiền Giang chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra là động thái “hình sự hóa hợp đồng kinh tế”. Không đồng ý với cách làm này, ngày 8-6, lãnh đạo Công ty Đồng Tâm đã làm đơn khiếu kiện sự việc ra Trung ương.
A.Nguyệt

 

(Theo NLĐO)