Đình Vạn Ninh mới được phục dựng lại năm 2006-2007. Ảnh: Nguyễn Thị Dương (Phòng Văn thể TP Móng Cái) |
Theo sử sách ghi lại, vào cuối thế kỷ XI, nhà Tống âm mưu thôn tính Đại Việt, chúng tập trung quân, lương thực, khí giới ở Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu để làm bàn đạp tiến quân xâm lược nước ta. Với tư tưởng tấn công để tự vệ, Lý Thường Kiệt chủ trương tổ chức cuộc tập kích thẳng sang đất Tống nhằm tiêu diệt các căn cứ xâm lược của kẻ địch rồi quay về bố trí phòng thủ đất nước. Mục tiêu của cuộc tấn công là các trại biên giới của quân Tống, cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu và chủ yếu là thành Ung Châu. Ngày 27-10-1075, cuộc tiến công của quân ta bắt đầu. Đạo quân của các tù trưởng thiểu số chia thành nhiều mũi vượt biên giới tiến đánh các trại quân Tống, đạo quân chủ lực của Lý Thường Kiệt vượt biển đánh chiếm cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu với sức tiến công mãnh liệt. Chỉ trong vòng 7 ngày, quân Đại Việt đã chiếm được Khâm Châu, Liêm Châu và có mặt ở thành Ung Châu. Ngày 1-3-1076, quân ta hạ thành Ung Châu. Tháng 4 năm đó, Lý Thường Kiệt cho quân rút về nước sau khi đã triệt phá thành, đánh tan viện binh của giặc.
Lý Thường Kiệt, vị tướng duy nhất trong lịch sử Việt Nam đã có chiến lược tấn công để phòng ngự và ông đã thành công khi chỉ huy quân dân Đại Việt đánh tan âm mưu xâm lược của kẻ địch ngay từ trong trứng nước để bảo vệ đất nước. Và trong cuộc chiến đấu để tự vệ ấy, ông đã lấy đất Vạn Ninh làm nơi tập kết thuỷ quân. Người Vạn Ninh tự hào vì điều ấy và để tưởng nhớ công lao ông, sau này, nhân dân xã Vạn Ninh, châu Vạn Ninh đã xây dựng đình và tôn Lý Thường Kiệt làm thành hoàng làng và phối thờ cùng các vị thành hoàng khác ở trong đình. Theo các đạo sắc phong, thư tịch Hán Nôm cổ thì đình Vạn Ninh thờ 8 vị thần - thành hoàng, ngoài Lý Thường Kiệt còn thờ Không Lộ thiền sư, Giác Hải thiền sư, Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Lê Lợi. Các vị thần này đều có sắc phong, sắc của vua Tự Đức cho Lý Thường Kiệt, Không Lộ thiền sư và Giác Hải thiền sư, Trần Hưng Đạo hiện được giữ tại đình, số còn lại được lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Hiện đình còn có hai ban thờ ở hai hồi của nhà tiền tế, ban phía đông thờ cụ tổ của hai họ Bùi, họ Nguyễn - hai họ đứng ra xây đình đầu tiên; ban phía tây thờ cụ tổ của các dòng họ sau này tham gia xây dựng đình.
Đình có bố cục hình chữ Đinh (J), diện tích không lớn (63,9m2) gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, nằm trong cụm di tích còn miếu, đài tưởng niệm liệt sĩ Hoàng Văn Thủ. Công trình hiện nay mới được phục dựng lại năm 2006-2007 sau một giai đoạn dài bị phá huỷ, hư hỏng nặng vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan. Vừa qua, đình Vạn Ninh đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh năm 2011.
Từ xưa tới nay, đình luôn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh cộng đồng làng xã của xã Vạn Ninh nói riêng, của nhân dân châu Vạn Ninh (Móng Cái ngày nay) nói chung. Hàng năm, dân làng Vạn Ninh tổ chức lễ hội đình vào 2 ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch với nhiều nội dung phong phú... Đặc biệt, hát nhà tơ ở lễ hội đình Vạn Ninh được xem là một trong những cái gốc của nghệ thuật hát nhà tơ, hát cửa đình ở Quảng Ninh, nhiều nghệ nhân Vạn Ninh hiện vẫn đang lưu giữ loại hình hát nghi lễ đặc sắc này.
Vùng đất Vạn Ninh ngoài đình Vạn Ninh còn rất nhiều dấu tích lịch sử văn hoá có giá trị như di tích khảo cổ tiền sử Thoi Giếng, gò Bà Mừng, gò Bảo Quế; di tích khảo cổ lịch sử như: Bến Vân Đồn, bến Thoi Sành, Dạ Vạt, gò Sim, gò Gai; di tích chùa Lũi, miếu thờ công chúa Lý Công Hoa, di tích cách mạng kháng chiến Hoàng Văn Thủ, Lê Thị Oanh... Điều đó cũng cho ta thấy sự tồn tại và phát triển của vùng đất Vạn Ninh là liên tục hàng nghìn năm lịch sử. Với những giá trị ấy, những di tích này nếu được tôn tạo, phát huy tốt sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh hơn trong tương lai.