Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Xâm nhập bãi vàng
Gửi xe máy ở đầu con dốc đi vào rừng Đắc Ha, chúng tôi bắt đầu hành trình xâm nhập bãi vàng Tượng Đồng. Vừa đến bìa rừng, liền gặp ngay một người dân chuyên cung cấp thức ăn cho dân làm vàng. Hỏi đường vào bãi vàng, ông ta cho biết: “Nếu các chú đến bãi vàng gần nhất khoảng 5 cây số, còn bãi xa nhất khoảng 10 cây số. Nhưng đường đi khó lắm, các chú đi bộ không nổi đâu”.
Không biết thực hư thế nào, nhưng có lẽ người đàn ông đó không muốn chúng tôi vào bãi vàng. Đi cách chúng tôi một đoạn, người đàn ông kia liền dừng lại dõi theo rồi rút điện thoại gọi cho ai đó. Thấy vậy, anh bạn đồng nghiệp liền nói: “Ông ta gọi cho các đầu nậu trong bãi vàng rồi đó, tí nữa chúng ta phải cải trang thôi”. Ở những bãi vàng nơi vùng sâu Tây Nguyên, cánh đào vàng rất ghê gớm. Nơi đây tập trung toàn những “đàn anh, đàn chị” trong giới giang hồ về trú ngụ. Vì thế, chúng tôi thống nhất với nhau khi đến bãi vàng sẽ giới thiệu là những sinh viên đại học đi điều tra thực địa về rừng.
|
Bãi khai thác vàng thô sơ ở khu vực Tượng Đồng. |
Đi bộ qua 2 con dốc trơn trượt, ngoằn ngoèo, chúng tôi gặp một cậu bé chạy xe máy chở dầu cho bãi vàng. Chiếc xe máy cũ kỹ, bánh quấn xích lao vùn vụt xuống dốc. Xa xa đã nghe tiếng máy nổ phành phạch. Có lẽ sắp đến bãi vàng rồi. Đi tiếp khoảng 2km đường dốc, chúng tôi nghe tiếng máy nổ càng to hơn. Từ con đường nhìn xuống những dòng suối xung quanh, đâu đâu cũng thấy những lều bạt lấp ló trong rừng và bắt đầu nghe thấy tiếng người cười nói.
Dừng lại bên một lối mòn xuống suối, chúng tôi quyết định xâm nhập vào bãi vàng đầu tiên qua con dốc nhỏ để dễ chụp hình. Con dốc nhỏ ít người đi lại, sâu hun hút. Sau một trận mưa rừng, trở nên trơn như mỡ. Tôi và hai đồng nghiệp phải vịn vào những cành cây xung quanh đi xuống. Nhưng càng đi càng trơn, chúng tôi té ngã uỳnh uỵch. Vì thế, chúng tôi đành chọn cách ngồi để tuột xuống dốc.
Sau hành trình trôi dốc vất vả, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bãi vàng đầu tiên. Từ trên dốc nhìn xuống, thấy núi đồi tan nát và suối đục ngầu. Trong vùng đất rộng khoảng 4ha, có 3 lán trại lớn và khoảng 20 người đang hì hục đào bới. Đang mải mê chụp hình, bỗng một người đàn ông từ trong lán đi ra. Anh ta hỏi: “Các anh đi đâu thế?”. “Chúng tôi đi khảo sát hiện trạng rừng của Công ty Lâm nghiệp Đắc Ha”, chúng tôi trả lời. “Vậy các anh phải đi đường khác, đường này không đi được đâu”, anh ta nói tiếp.
Nhưng để tiếp cận bãi vàng, chúng tôi vẫn liều đi xuống lán nơi anh ta đang ở và xin nước. Lán rộng khoảng 200m, có 4 người đàn ông đang nằm nghỉ. Theo T. (quê ở Thanh Hóa), những người này bị ốm nên nghỉ làm. Trên những phên nứa, có cả những kim tiêm dùng để chích ma túy. “Chúng tôi có 20 người, hầu hết anh em đều từ ngoài Bắc vào đây và làm cho công ty kiếm mỗi tháng khoảng 2 - 3 triệu đồng”, T. cho biết. Nhưng khi hỏi làm cho công ty nào, anh ta không nói và chỉ bảo trụ sở công ty đóng ở thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông).
Biết không hỏi được gì, chúng tôi nhờ T. dẫn ra xem khai thác vàng. Sau một chút ngần ngừ, anh ta cũng dẫn đi nhưng cấm chúng tôi chụp hình. Không lộ thiên, ở đây người ta đào hầm sâu vào lòng đất để tìm vàng. Trên miệng hầm rộng khoảng 1m² có chiếc tời dùng để chở đất lên và chở người xuống. Hầm này sâu khoảng 10m, có cả máy thổi khí xuống và chỉ có một người ở dưới. Sau một tiếng đồng hồ, người đó lên và người khác xuống thay. Mỗi ngày họ làm khoảng 10 tiếng đều đặn như vậy.
“Khai thác kiểu này được nhiều vàng hơn đãi trên suối, nhưng nguy hiểm lắm. Cách đây một tháng, khi chiếc tời hỏng, có người đã mắc kẹt dưới hầm và bị ngất xỉu”, T. cho biết. “Vậy mỗi ngày ở đây khai thác được bao nhiêu vàng?”, chúng tôi hỏi. “Cái đó chúng tôi không biết vì vàng khai thác được ở đây chỉ là vàng cám hoặc vàng nước, sau khi đem về công ty xử lý mới ra vàng. Vì thế, chỉ có ông chủ mới biết khai thác được bao nhiêu”, anh ta nói. Dạo quanh bãi vàng này khoảng 30 phút, chúng tôi lấy cớ phải đi kẻo trời mưa dù được T. mời ở lại ăn cơm trưa. Nhưng trên con đường mòn từ bãi vàng đi ra, vẫn có một người đàn ông đi sau chúng tôi chừng 200m để theo dõi.
Hoạt động rầm rộ
Men theo con suối, chúng tôi hành trình đến bãi vàng thứ hai. Tại khu vực Cây Xoài do anh Q. (ở xã Đắc Ha) khai thác, nước suối vàng đục chảy ra từ ngọn đồi bị xối nước sạt lở. Xung quanh có rất nhiều hồ nhỏ, chỉ khoảng 20m² chứa nước đục ngầu của “vàng tặc” bỏ lại. Ở đây, anh Q. dùng cách bơm nước từ dưới suối lên, sau đó lấy vòi xối mạnh vào núi cho đất đá trôi xuống và đặt máng hứng vàng ở phía dưới. Anh Q. cho biết đã bỏ ra 200 triệu đồng mua 4ha đất đồi và máy móc để vào đây đãi vàng. Chỗ anh có 8 người làm, mỗi ngày đãi được khoảng 1 chỉ và trại của anh thuộc vào loại nhỏ nhất ở đây.
“Tôi đãi vàng sa khoáng nên khó trúng lớn, những trại đầu tư lớn, đào hầm và có tới cả trăm người làm mới trúng đậm. Có trại đã đào được cả ký vàng. Mình làm nhỏ đủ chi phí nên không chung chi, không sợ bị người khác làm phiền, còn các trại khác đều có người bảo kê”, anh Q. tâm sự. Cũng theo anh, tại khu vực này có khoảng 10 điểm khai thác vàng như thế.
Dùng cơm trưa cùng đội anh Q. xong, chúng tôi lại men theo con đường mới mở đến những điểm khai thác mới. Trên con đường đất rộng khoảng 3m vẫn còn in dấu xe máy, xe múc đi vào bãi vàng. Phía dưới con đường, dòng suối vẫn chỉ là một màu vàng đục. Đi qua hai điểm khai thác đầu tiên, chúng tôi dừng chân xin nước uống tại lán trại cuối con đường. Trong lán, có 5 người đàn ông đang nghỉ ngơi, còn phía vách núi có mấy người đang vào hầm vàng. Ở đây, ngoài hai hầm đào xuống đất, họ còn mở đường khai thác vàng vào núi bằng đường hầm dài khoảng 45m và rộng khoảng 1,5m. Trong căn hầm sâu, điện bật sáng trưng, hệ thống dẫn nước vận hành liên tục. Bên ngoài miệng hầm luôn có người canh gác.
Anh M. (quê ở Nam Định) có lẽ là cai vàng ở đây cho biết họ đang khai thác vàng cho một ông chủ trẻ ở thị xã Gia Nghĩa với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. “Khi nào khai thác được nhiều thì ông chủ thưởng thêm, còn bình thường chỉ được 2,5 triệu. Chúng tôi chỉ là người làm công thôi, chỉ biết công ty đóng ở Gia Nghĩa chứ chưa đến đó bao giờ”, anh M. cho biết.
Chúng tôi hỏi ông chủ tên gì thì anh ta chỉ mỉm cười lắc đầu. Có lẽ ở những bãi vàng này đều có người bảo kê, vì thế họ không dám nói tên công ty và cả tên ông chủ. Chúng tôi về đến chỗ gửi xe khi trời đã xế chiều, bỗng có mấy thanh niên trông dữ dằn chở một phụ nữ ngồi sau ôm chặt chiếc túi vải. Rất có thể trong túi là kết quả của một ngày làm việc ở bãi vàng.
Việc khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Đắc G’long diễn ra từ nhiều năm qua và huyện đã tổ chức nhiều đoàn giải tỏa. Nhưng sau vài tháng cưỡng chế, những kẻ đào vàng lậu lại quay về hoạt động khai thác.
|
Hiện trường bãi khai thác vàng ở Đắc Nông. |
Ông Dương Quốc Hưng, Trưởng phòng TN-MT huyện Đắc G’long, cho biết: “Vào ngày 13-3 vừa rồi, phòng đã phối hợp với công an huyện, huyện đội tổ chức đoàn liên ngành truy quét vàng tặc tại xã Quảng Hòa và xã Đắc Ha. Tại khu vực Tượng Đồng, đoàn đã phá hủy 5 lán trại, 2 máy nổ, tiêu hủy khoảng 600 lít dầu diesel và lập biên bản vi phạm hành chính 3 chủ máy múc”.
Nhưng vào thời điểm chúng tôi có mặt ở khu vực Tượng Đồng ngày 29-5, các lán trại khai thác vàng vẫn hoạt động rầm rộ, máy múc vẫn đi mở đường cho vàng tặc và dường như không thấy có dấu hiệu nào của việc cưỡng chế.
Khi chúng tôi tiếp xúc với các phu vàng ở khu vực Tượng Đồng, hầu hết họ bảo đang khai thác cho một công ty khai thác khoáng sản có trụ sở đóng tại thị xã Gia Nghĩa. Nhưng ông Nguyễn Hữu Kiện, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đắc G’long, khẳng định: “Trên địa bàn huyện không có khu vực nào được cấp phép khai thác vàng. Vậy nhưng có 5/7 xã trong huyện đang có tình trạng khai thác trái phép. Địa bàn của huyện rộng, nhiều đồi dốc và dân cư thưa thớt nên khó kiểm soát. Đã có nhiều đoàn cưỡng chế, nhưng cứ khi đoàn đi khỏi, những kẻ đào vàng lậu lại tiếp tục”.
Quả là khó khăn, nhưng chẳng lẽ chính quyền các cấp chịu bó tay trước nạn đào vàng, để núi rừng Đắc G’long tan nát?