|
Gạch non sau khi tạo hình được đưa ra sân dưỡng |
Thực tế, trung bình mỗi năm, cả nước tiêu thụ khoảng 20-22 tỷ viên gạch, và đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng ước tính gấp đôi, lên tới 40 tỷ viên. Nếu đáp ứng nhu cầu này bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57 đến 60 triệu m3 đất sét, tương đương với 2.800ha đến 3.000ha đất nông nghiệp; 5,3 đến 5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2 trong không khí.
Từ thực tế trên, những nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu phát triển nông thôn đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ “đất hoá đá” để sản xuất gạch không nung từ nguyên liệu đất và phế liệu công nghiệp. Phương pháp này giúp những người sản xuất tận dụng được nguồn đất ít có giá trị kinh tế như đất đồi cằn cỗi tại các vùng trung du, đất sét pha ven sông hay các nguồn phế thải rắn như bê tông, gạch vỡ, cát, đá sỏi, xỉ lò...; bỏ hoàn toàn sự nung đốt, không thải khí CO2 ra môi trường. Điều đặc biệt, độ cứng của viên gạch không nung gần gấp 2 lần viên gạch nung, các chỉ tiêu về kỹ thuật và an toàn vật liệu đều đạt và vượt TCVN, giá thành mỗi viên gạch không nung bằng công nghệ “đất hoá đá” chỉ bằng 2/3 viên gạch nung thủ công.
Nhận thấy “bài toán kinh tế” có lợi cho cả người tiêu dùng và phát triển kinh doanh, Công ty CP Thương mại và Sản xuất vật liệu xây dựng Xanh đã quyết định là một trong những đơn vị đi đầu trên toàn tỉnh sản xuất gạch không nung. Công ty có tổng diện tích là 9.850m2, nằm trong Khu Công nghiệp Cái Lân, giáp quốc lộ 18A và cảng Cái Lân nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu về nhà máy cũng như tiêu thụ sản phẩm sang các địa phương lân cận bằng đường thuỷ và đường bộ.
Ông Nguyễn Quang Tường cho biết: “Hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất của chúng tôi có tính đồng bộ tự động hoá cao và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Công suất của nhà máy là 45 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm, có giá 1.000 đồng/viên, chỉ cần sử dụng tối đa 10 công nhân vận hành/ca. Trong khi những nhà máy gạch đất nung thông thường cần trung bình từ 400-500 lao động.
Toàn bộ các chủng loại sản phẩm gạch của Công ty đều đạt và vượt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Xây dựng (TCVN 6477:2011) và được kiểm định chất lượng thường xuyên tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh. Hiện nay, sản phẩm gạch xi măng cốt liệu của Công ty sản xuất đã và đang nhận được sự tin dùng của nhiều công trình như: Trung tâm Bưu chính Tin học Viễn thông Quảng Ninh, Khu đô thị Ban Mai - Bãi Cháy, Bệnh viện Quốc tế Hạ Long, Nhà máy sản xuất Đất hiếm - KCN Việt Hưng, Khu đô thị Bắc An Khánh (Hà Nội)...”.
Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ninh năm 2010 đến năm 2020. Trong đó nêu rõ “Từ năm 2010 đến năm 2020 tạm dừng đầu tư xây dựng dự án sản xuất gạch ngói tuynel khu vực miền Tây; giảm sản lượng gạch thủ công, đầu tư xây dựng mới các nhà máy gạch không nung ở Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Hạ Long, Cẩm Phả, Mông Dương; nguyên liệu sản xuất là xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện... Duy trì các cơ sở sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh, đưa sản lượng gạch không nung toàn tỉnh lên 154,4 triệu viên QTC năm 2015 và 206,4 triệu viên QTC năm 2020, tương đương 13%-20% tổng sản lượng vật liệu xây”. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển sản xuất gạch không nung trên địa bàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu tiêu thụ.
Do thói quen cũng như chưa được cung cấp nhiều thông tin về tính ưu việt của gạch không nung, phần lớn người tiêu dùng vẫn lựa chọn gạch đất nung thông thường. Mặt khác, ngoài Công ty CP Thương mại và Sản xuất vật liệu xây dựng Xanh, những cơ sở sản xuất gạch không nung tại một số địa phương như Hoành Bồ, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều… có quy mô còn nhỏ lẻ, công suất mỗi cơ sở khoảng 500.000-800.000 viên/năm. Với dây chuyền sản xuất thủ công, chất lượng sản phẩm thấp, do đó, sản phẩm ở những cơ sở sản xuất này chủ yếu để xây dựng các công trình phụ trợ, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thiết nghĩ, để khắc phục những khó khăn này, không chỉ cần sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị tiên phong trong sản xuất gạch không nung mà rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện bằng những cơ chế, chính sách thiết thực, cụ thể của tỉnh cũng như sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành.