Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Công nhân ngành Than trồng cây trên bãi thải góp phần bảo vệ môi trường
Nhận thức được vấn đề phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, thời gian qua tỉnh đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp tích cực nhằm bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn. Các quy hoạch BVMT tổng thể và một số vùng trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; quy hoạch BVMT vùng Hạ Long - Cẩm Phả - Quảng Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015 đã được triển khai. Nhằm tăng cường công tác quản lý, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2010 và định hướng đến 2020; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải Hạ Long. Đồng thời xem xét triển khai một số dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải tại Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái. Hàng năm, tỉnh đã dành hàng tỷ đồng để hỗ trợ cho công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở các khu, cụm dân cư. Nhiều tổ tự quản thu gom rác được hình thành như: Hợp tác xã Hải Yến (Đông Triều), HTX vệ sinh môi trường Hồng Mạnh (Tiên Yên), Công ty CP Môi trường đô thị Indevco (Cẩm Phả, Hạ Long), Công ty TNHH Quang Phong và Công ty TNHH MTV Tuấn Đạt (Cẩm Phả)... Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh đã thiết lập được hệ thống thu gom và xử lý rác thải trên biển: Khu vực Vịnh Hạ Long, ven bờ biển từ Bãi Cháy đến Hòn Gai. Tỷ lệ thu gom và xử lý lượng rác thải hàng ngày tại các trung tâm đô thị, đạt tiêu chuẩn môi trường.
Trong công tác lập hồ sơ thủ tục về môi trường, đến nay 100% các dự án đầu tư mới đều lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Từ năm 2008 đến 2011, trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt 231 báo cáo ĐTM, 1.163 bản cam kết bảo vệ môi trường, 55 dự án cải tạo phục hồi môi trường, 213 đề án bảo vệ môi trường. Nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh việc di dời một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi các khu đô thị, dân cư tập trung như: Nhà máy cơ khí Hòn Gai (Hạ Long), Kho than Khe Ngát (Uông Bí), đóng cửa bãi rác Vũng Đục (Cẩm Phả), bãi rác Mạo Khê (Đông Triều); sắp xếp lại các cảng, bến bãi xuất than nhằm xoá bỏ các điểm nhỏ lẻ, di dời các cảng chế biến, xuất than tại khu vực Cao Xanh (Hạ Long), Kim Sơn (Đông Triều)... quy hoạch lại hệ thống cảng than trên địa bàn toàn tỉnh. Đưa trạm xử lý nước thải Hà Khánh (7.500m3), Cái Dăm (3.500m3) và các bãi xử lý rác Quang Hanh, Đèo Sen, Hà Khẩu vào hoạt động. Bằng nguồn vốn bảo vệ môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều công trình cải tạo hệ thống thoát nước trong các khu dân cư như: Tuyến thoát nước, tiêu thoát lũ Khe Cá - Hà Tu, kè sông Vàng Danh, sông Uông, sông Sinh... Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với tỉnh thực hiện một số dự án như: Kè sông Mông Dương, nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường dân sinh tại Cọc Sáu - Cẩm Phả.
Với vị trí có Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ Di sản: Phát triển chương trình giáo dục di sản trong trường học và cộng đồng trên địa bàn tại 5 địa phương (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô và Quảng Yên). Đặc biệt, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long với các hộ dân sinh sống, nuôi trồng, kinh doanh hải sản tại các làng chài trên vịnh và các tàu thuyền vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long. Đồng thời, xây dựng và nâng cấp trang web Vịnh Hạ Long; phát hành tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền cho khách du lịch và cộng đồng; tuyên truyền thông qua đội ngũ hướng dẫn viên; tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện một số đề tài, dự án như: Lập hồ sơ giá trị đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long; tham gia dự án nâng cao năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ tại Hạ Long - Cát Bà.
Đánh giá về công tác BVMT trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng chí Hoàng Việt Dũng, Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh cho biết: Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác BVMT, nhưng quá trình đô thị hoá với tốc độ nhanh và sự phát triển kinh tế xã hội với quy mô ngày càng lớn, hoạt động khai thác, chế biến than với sản lượng tăng gấp nhiều lần so với trước đây làm quá tải hệ thống quản lý các công trình công cộng ở các địa phương và chưa bảo đảm quy hoạch, hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư không đồng bộ, không theo kịp nhịp độ phát triển. Môi trường không khí tại một số địa phương chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than, hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, hoạt động sản xuất nhiệt điện, xi măng đã gây bức xúc trong nhân dân.
Để môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, tỉnh đã đề xuất các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường, trong đó tập trung áp dụng công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến để giảm ô nhiễm môi trường; tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, huy động tối đa mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia công tác bảo vệ môi trường. Quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở các đô thị và các khu dân cư tập trung. Đồng thời, đầu tư hệ thống cung cấp nước hợp vệ sinh cho các vùng nông thôn.