Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thăm dự án trồng rừng Việt - Đức ở Vĩnh Linh (nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị)
Năm 1997, dự án trồng rừng Việt-Đức được triển khai ở tỉnh Quảng Trị, trong đó Vĩnh Tú là một trong 16 xã của tỉnh Quảng Trị được tham ra dự án. Cả vùng đất cát hoang hoá đã được chia thành từng lô cho người dân trồng rừng với bình quân mỗi hộ dân khoảng 2ha. Người dân được hỗ trợ cây giống, phân bón; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc; kỹ thuật quản lý rừng,...
Giờ đây đến Vĩnh Tú, vùng cát hoang hoá năm xưa đã được thay bằng rừng keo, rừng tràm xanh ngút ngàn. Thăm rừng keo của gia đình ông Tô Ngọc Pháp ở thôn Thuỷ Tú Phường, ông Pháp cho biết, tham gia dự án này, gia đình ông trồng 2ha rừng. Sau 9 năm gia đình ông đã thu hoạch lứa trồng rừng đầu tiên với số tiền thu về hơn 24 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, gia đình ông tiếp tục trồng lại rừng và giờ những cây rừng này đã bước vào năm thứ 3. Với cách chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ khoảng từ 3-4 năm nữa rừng cây của gia đình sẽ cho thu hoạch.
Dự án trồng rừng Việt-Đức được triển khai tại 16 xã của 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị. Trong giai đoạn 1997-2002, Dự án có tổng mức đầu tư là 29,179 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức là 24,462 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Dự án này được triển khai nhằm thực hiện trồng rừng, bảo vệ đất đai, cải thiện việc cung cấp nguồn nước, bảo vệ môi trường và sử dụng lâm sản một cách bền vững về mặt sinh thái. Cùng với đó, dự án cũng đặt mục tiêu về hiệu quả về kinh tế; hỗ trợ việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng hưởng lợi, góp phần thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo của Chính phủ.
Theo Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị, giai đoạn 1997-2002, dự án đã thực hiện trồng mới được hơn gần 7.700ha rừng các loại. Sau 5 năm thực hiện, dự án đã mang lại kết quả tích cực về môi trường sinh thái. Dự án đã góp phần nâng độ che phủ của rừng trên toàn tỉnh tăng 2%. Đối với các huyện trong vùng dự án, tỷ lệ che phủ của rừng tăng khoảng 6-10%. Dự án cũng đã góp phần ổn định môi trường sinh thái, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, cát bay, cát lấp, duy trì nguồn nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời dự án đã tạo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho hơn 5.200 hộ gia đình, nhiều gia đình đã thực sự vượt qua được khó khăn, xóa đói giảm nghèo. Các sản phẩm từ rừng như gỗ, củi đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, hạn chế được áp lực về chất đốt đối với rừng tự nhiên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Diện tích trồng rừng này là nguồn nguyên liệu quan trọng góp phần cung cấp cho nhà máy chế biến gỗ nhân tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và các tỉnh lân cận. Ở một số địa phương, người dân ngoài trồng rừng bằng vốn dự án đã bỏ thêm vốn, nhân công để xây dựng vườn rừng, trang trại rừng như ở huyện Hải Lăng và huyện Vĩnh Linh. Dự án đã góp phần chuyển giao quyền sử dụng đất lâu dài cho người dân tham gia trồng rừng.
Trong giai đoạn 2003-2009, theo cam kết, giữa hai Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CHLB Đức, phía Việt Nam tiến hành quản lý thực hiện công tác bảo vệ rừng, duy trì ổn định diện tích rừng đã được dự án đầu tư. Toàn bộ nguồn kinh phí trong giai đoạn này do ngân sách địa phương cung cấp. Người dân tham gia dự án trồng rừng Việt-Đức được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng và có nghĩa vụ nộp lại cho địa phương với số tiền tương ứng từ 50-100kg gạo để địa phương xây dựng các công trình phúc lợ của địa phương.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ cho người dân trồng rừng, từ năm 2007 đến nay, các hộ dân sau khi khai thác rừng trồng của dự án nếu tiếp tục trồng lại rừng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón với giá trị 1,5 triệu đồng/ha. Cùng với đó, với mục tiêu khuyến khích người nông dân trồng rừng theo hướng quản lý rừng bền vững, trồng rừng với chu kỳ dài hơn, kinh doanh gỗ lớn, Chi cục lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị đã đề nghị tổ chức SECO (Thuỵ Sĩ) và IKEA (Thuỵ Điển) tài trợ thông qua tổ chức WWF-Việt Nam để xây dựng chứng chỉ rừng cho nhóm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2008-2011 đã tập trung hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia dự án trồng rừng Việt-Đức xây dựng chứng chỉ rừng và trong 2 năm 2010 và 2011, tổ chức GFA (Đức) đã tiến hành đánh giá và cấp chứng chỉ rừng cho 233 hộ gia đình với diện tích 577 ha tại xã Trung Sơn (Gio Linh) và hai xã Vĩnh Thuỷ và Vĩnh Tú (Vĩnh Linh).
Theo đánh giá, dự án trồng rừng Việt-Đức được triển khai tại tỉnh Quảng Trị đã có tác động tích cực trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; tạo tiền đề để phát triển lâm nghiệp tại địa phương trong thời gian tới.