Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh ngoài tiêu chí kinh tế kỹ thuật thì tiêu chí về môi trường được xem xét, kết hợp kỹ lưỡng. Những công trình nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc các khu rừng nguyên sinh cần được bảo vệ, khu vực cấm khai thác sẽ không được xem xét. Điển hình như một số dự án thủy điện như Suối Choang và thủy điện Tiền Phong, dù "thỏa mãn" điều kiện kinh tế kỹ thuật nhưng không được xem xét bổ sung phê duyệt vì không đạt tiêu chí môi trường, ảnh hưởng đến vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
Tỉnh Nghệ An đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện, trong đó dự báo các tác động đến môi trường của việc xây dựng hệ thống các công trình thủy điện ở tỉnh, từ đó đề xuất các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực. Những dự án thuỷ điện đầu tư vào Nghệ An phải thực hiện đúng các tiêu chí về môi trường. Đây được xem là "cơ sở cứng" để đánh giá tiêu chí môi trường dự án và là điều kiện đủ để đầu tư dự án. Yêu cầu đặt ra là các dự án thủy điện cần đảm bảo được sự phát triển kinh tế xã hội bền vững và ổn định; bảo vệ được các hệ sinh thái tự nhiên; cung cấp nước cho các hoạt động kinh tế xã hội ở vùng hạ du; đảm bảo cho đồng bào ở vùng xây dựng các nhà máy thủy điện có đời sống vật chất, tinh thần ổn định. Ngoài ra, các dự án thủy điện phải bảo vệ được rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn đồng thời bảo vệ được tính đa dạng sinh học. Nơi các nhà máy thủy điện được xây dựng, về cơ bản phải không làm thay đổi các đặc trưng hình thái và dòng chảy của các dòng sông, suối, nhằm hạn chế sự biến động của các hệ sinh thái ở vùng hạ du. Về công tác quy hoạch, ngoài tiêu chí môi trường đã thực hiện, các dự án cần dựa vào những nguyên tắc sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, sử dụng nước trong phát điện.
Trong quản lý, vận hành công trình thủy điện, các dự án cũng chú ý nhiều hơn đến chống lũ, cấp nước, bảo vệ môi trường ở hạ du, đồng thời xem xét vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm sử dụng hiệu quả, đa mục tiêu nguồn nước. Về phía tỉnh Nghệ An, cần đánh giá môi trường tổng thể, cộng hưởng của nhiều dự án trên cùng một hệ thống sông trên địa bàn toàn tỉnh nhằm giám sát việc khai thác các dự án thủy điện theo hướng bền vững.
Các địa phương nơi có dự án thuỷ điện phối hợp với chủ đầu tư thực hiện tốt và kịp thời công tác di dân tái định cư cho người dân bị mất đất do xây dựng công trình thủy điện. Giải quyết tốt các chính sách hỗ trợ về đời sống cho các hộ di triển chuyển, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho số dân phải di chuyển đến nơi ở mới. Để bảo vệ rừng bị ảnh hưởng cần quy hoạch ổn định thủy điện gắn với xây dựng phát triển rừng. Đối với các dự án ảnh hưởng đến diện tích rừng, các dự án phải thực hiện cam kết trồng bù rừng và phối hợp với kiểm lâm để ngăn chặn các hoạt động chặt phá rừng có thể xảy ra.
Nghệ An là tỉnh có hệ thống sông ngòi nhiều, lưu vực lớn, độ dốc địa hình cao, lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn, đây là tiềm năng để phát triển thủy điện. Theo số liệu quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 41 công trình thủy điện vừa và nhỏ có thể khai thác và kêu gọi đầu tư xây dựng đến năm 2015. Đến thời điểm này, tỉnh có 27 dự án thủy điện vừa và nhỏ được cấp phép nghiên cứu triển khai lập báo cáo đầu tư, xây dựng công trình; trong đó 14 công trình đang triển khai thi công, 5 dự án đã cấp chứng nhận đầu tư chưa khởi công và 8 dự án đang được nghiên cứu lập dự án đầu tư.