Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Yếu kém trong xử lý nước thải và chất thải ở Vĩnh Phúc

(23:55:22 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Việc xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và cả rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Điều này đã gây ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề hơn khiến người dân ở nhiều địa phương gần nơi có nước thải, chất thải rất bức xúc vì cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

 nuoc thai

Nước thải chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường




Nước mặt, nước ngầm đều xuống cấp!




Đầm Vậy thuộc phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên có diện tích 6,7 ha đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, có thời điểm nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bà Nguyễn Thị Hòa ở khu hành chính 5, phường Đống Đa- người đấu thầu đầm này để nuôi trồng thủy sản, cho biết: Cứ hết mùa mưa là nước đầm ô nhiễm, ngả dần sang màu đen khiến năm nào tôm, cá nuôi trong đầm cũng bị chết.

 

Đầu tháng 7/2009, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp ở các phường dồn về đầm Vậy đã làm cho tôm, cá ở khu đầm chết nổi trắng mặt nước. Có ngày, tại đầm Vậy có gần một tấn cá chết. Gia đình bà Hòa đã mất khá nhiều công sức vớt cá lên bờ để đem chôn cho đỡ ô nhiễm. Từ khi nhận thầu (năm 2007) đến nay, gia đình bà đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua con giống mà số tiền thu về chỉ vài chục triệu đồng. Gia đình bà phải chịu thiệt hại nặng nề do ô nhiễm môi trường nước.



Tại Đầm Vạc - thành phố Vĩnh Yên, lúc nước dâng cao nhất trên dưới 500 ha với hơn 20 nhánh chạy lan toả ra nhiều phố, phường trong thành phố được ví như con bạch tuộc - là nơi giữ vai trò điều tiết khu vực tiểu khí hậu, có cảnh quan và là điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay đầm Vạc bị ô nhiễm môi trường nước khá nặng do dân sống ven hồ ngâm tre, gỗ, vứt rác thải, đổ nước thải và vứt xác gia súc - gia cầm chết xuống đầm. Nghiêm trọng hơn, những năm trước đây, người dân chiếm dụng mặt nước khu vực này, dùng lưới quây và nuôi trồng thuỷ sản theo phương pháp công nghiệp nên lượng thức ăn chăn nuôi đổ xuống hồ quá lớn khiến đầm mất khả năng tự làm sạch.



Kết quả quan trắc mới đây của Trung tâm Tài nguyên và Bảo vệ môi trường Vĩnh Phúc cho thấy: Môi trường nước mặt ở các khu đô thị, khu - cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng với nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,15 đến 5,9 lần. Qua quan trắc hơn 10 nguồn nước thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Bình Xuyên, Khai Quang, Hương Canh…, hầu hết chất độc hại trong nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất đều vượt tiêu chuẩn cho phép.

 

Mẫu nước thải tại cống xả chung cuối khu công nghiệp Bình Xuyên trước khi xả ra hồ điều hoà và ra sông Cà Lồ có 4/16 thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép 1,9 đến 5,77 lần, trong đó sắt vượt 5,77 lần, Colioform vượt 2,5 lần. Nước thải khu công nghiệp Khai Quang tại cống xả chung ở thôn Mậu Thông (phường Khai Quang) có 4/16 thông số vượt tiêu chuẩn cho phép như mùi hôi, chất rắn lơ lửng vượt 1,07 lần, Ni tơ tổng vượt 1,36 lần, Colioform vượt 1,9 đến 2,2 lần. Nước thải làng nghề Tề Lỗ tại cống xả thải thôn Giã Bàng có 6/16 thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép như mùi hôi thối, chất rắn lơ lửng vượt 1,78 lần, Amoni vượt 1,25 lần...



Ngành chức năng còn cho biết, nhiều khu vực nước ngầm ở hai đô thị lớn là thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và một số vùng nông thôn đang bị ô nhiễm từ trung bình đến nặng. Cụ thể có hàm lượng Mn vượt từ 1,2 đến 3,6 lần so với TCVN 9544-1995. Ngoài đầm Vạc, đầm Vậy ra thì các nơi khác như hồ Bảo Sơn, Đầm Diệu, sông Cà Lồ, Sông Phan... cũng đang chịu cảnh ô nhiễm đồng, măng gan và sắt. Hàm lượng Cu vượt 1,16 lần, Fe vượt 7,4 lần và Mn vượt 1,5 đến 5,8 lần. Nước thải công nghiệp xả ra các thuỷ vực, sông hồ đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm ở độ sâu từ 18 đến trên 40m. Ở các khu, cụm công nghiệp của Vĩnh Phúc việc xử lý nước thải của nhiều cơ sở chưa đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường. Tình trạng nước thải của nhiều cơ sở vượt quá giới hạn cho phép và xả thẳng ra môi trường tiếp nhận đang làm gia tăng ô nhiễm.

 



 Còn nhiều bất cập




Thời gian gần đây, người dân một số thôn xóm ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên và xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên của tỉnh Vĩnh Phúc tỏ ra rất bất bình vệ việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp dịch vụ môi trường. Chất thải nói chung không được xử lý đúng quy trình, thậm chí có cả chất thải nguy hại được đốt bừa bãi, khói đen bao phủ trên diện rộng, bốc mùi két và gây tức ngực, khó thở, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều hộ gia định lân cận; nạn ruồi, muỗi phát triển thật khủng khiếp, nhiều gia đình đã phải dùng vải màn, lưới để quây xung quanh ngôi nhà không cho ruồi muỗi vào nhà.




Ông Nguyễn Văn Thực- Giám đốc Công ty Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, cho biết: "Hiện tại, riêng thành phố Vĩnh Yên bình quân mỗi ngày có 200 m3 rác thải sinh hoạt...nhưng chưa có bãi đổ theo đúng tiêu chuẩn quy định, khiến nhiều người dân lo ngại". Khi tìm hiểu thực tế, rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại của không ít doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc cũng chưa được phân loại, thu gom tốt và đưa đi xử lý theo địa chỉ đăng ký, mà doanh nghiệp đã tìm cách đổ trộm ra những khu thưa dân cư. Tương tự, thị xã Phúc Yên cũng chưa có bãi rác đúng tiêu chuẩn, rác thải ở thị xã được đổ tại một khu rừng tại xã Ngọc Thanh, nhưng cận kề với khu dân cư tập trung và đã làm cho người dân ở đây phản ứng quyết liệt vì mùi hôi thối của rác bốc lên suốt ngày đêm.



Thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên có tốc độ đô thị hoá khá cao, việc xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà ở của người dân diễn ra nhanh chóng trên diện rộng. Hai đô thị này còn có thế mạnh trong việc sản xuất gạch nung, ngói, gạch ốp lát đang tạo đà chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, điều đáng nói là chất thải trong xây dựng hạ tầng, nhà ở, phế phẩm trong sản xuất vật liệu xây dựng thải ra môi trường rất lớn, trong khi các địa phương chưa quy hoạch được nơi tập kết, xử lý kịp thời đã khiến cho việc đổ chất thải bừa bãi rất mất mỹ quan, gây ô nhiễm mà địa điểm đổ chất phải là gần các trụ đường, các khu đồi, bãi đất trống.



Vĩnh Phúc có tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ khá nhanh, nhưng khả năng ứng phó với tình trạng rác thải, nước thải công nghiệp...còn rất chậm. Bằng chứng là sau khi bãi rác ở núi Bông ngừng hoạt động vào đầu năm 2009 (nơi tiếp nhân rác của thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên) thì đến nay tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa quy hoạch bãi rác thải đúng quy định và "dài hơi". Rác thải sinh hoạt của hai đô thị lớn là thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên vẫn được tập kết tạm ở một số nơi đất trống vùng ngoại ô, khiến cho thành phố mất mỹ quan. Nước thải, rác thải được người dân "tống" xuống đầm, ao, hồ và đã làm môi trường ô nhiễm khá nghiêm trọng.



Liên tiếp trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, Hội nghị chuyền đề về vấn đề về thu gom, xử lý nước thải, rác thải. Gần đây, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh trước mắt triển khai xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải tập trung của thành phố Vĩnh Yên bằng nguồn vốn ODA để khắc phục sự ô nhiễm cho hệ thống ao, hồ, đầm...Còn người dân thì họ chỉ tin tưởng khi dự án xây dựng thu gom, xử lý nước thải cũng như phế thải chính thức được khởi công và làm lễ động thổ họ được tận mắt chứng kiến mới là điều có thật.

Nguyễn Trọng Lịch