Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xét nghiệm dioxin: tìm nguyên nhân gây bệnh "lạ" ở Quảng Ngãi

(09:42:09 AM 08/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Hội thảo Chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức ở Đà Nẵng ngày 7-6.

Các chuyên gia cho rằng cần xét nghiệm dioxin khi tìm nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh nhân mắc bệnh “lạ” điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ  - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

 

Thông tin mới nhất được PGS. TS Trần Hậu Khang - giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư kiêm chủ tịch hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế - cho biết sáng 7-6, Hội Da liễu châu Á liên lạc với ông, đề nghị nếu cần hội sẽ đưa chuyên gia sang giúp đỡ tìm hiểu căn bệnh “lạ”. Tuy nhiên, do ngày 6-6 Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên chưa cần hội tham gia.

 

Ông Lương Ngọc Khuê (cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh) cho rằng nguyên nhân bệnh thì có thể nay mai hoặc trường kỳ kháng chiến mới tìm ra.

 

Dioxin có thể có trong thuốc bảo vệ thực vật

 

Các chuyên gia dự hội thảo đều nhận định nguồn gốc bệnh “lạ” là do nhiễm độc. Đồng thời các chuyên gia đề nghị phải đưa dioxin vào “tầm ngắm”. Theo PGS Khang, trong tất cả các xét nghiệm có một cái chưa làm đó là dioxin, và việc nhiễm độc dioxin có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp.

 

TS Phạm Duệ - giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - thẳng thắn đề nghị phải đưa dioxin vào yếu tố nghi ngờ bởi lâu nay nguyên nhân từ dioxin bị xem nhẹ. Ông cũng thống nhất cao với kết luận nguồn gốc bệnh là từ nhiễm độc mãn tính dẫn tới hội chứng tổn thương gan và dày sừng da bàn tay, bàn chân.

 

“Tôi nghi ngờ dioxin có liên quan đến bệnh nhưng kinh phí xét nghiệm quá lớn nên chưa thể thực hiện. Lâu nay chúng ta nghĩ dioxin là do chiến tranh để lại nhưng không hẳn vậy, nó còn có trong thuốc bảo vệ thực vật” - TS Duệ cho hay.

 

Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Văn Minh - Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - cũng cho rằng phải tập trung vào việc xác định nhiễm độc do chất gì và không thể loại bỏ dioxin.

 

Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết về việc xét nghiệm dioxin, phía WHO và CDC đã nắm tình hình và sẽ có kế hoạch cụ thể.

 

“Cần di dời dân thì sẽ di dời ngay”

 

Ông Nguyễn Xuân Mến - phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi - bức xúc cho rằng đa số trường hợp bị bệnh “lạ” mà lọc máu đều dẫn đến tử vong. Ông cho biết thêm lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đang chờ ý kiến của Bộ Y tế. Nếu bộ nói nhiễm độc do nước thì tỉnh sẽ xây dựng nhà máy cấp nước cho dân. Cần thiết cho di dời dân ở Ba Điền thì tỉnh cũng sẽ di dời ngay.

 

Tại hội thảo, Bộ Y tế đã công bố kế hoạch can thiệp giảm tử vong do bệnh “lạ” ở Ba Tơ từ tháng 5 đến tháng 12. Bộ Y tế giao đầu mối triển khai kế hoạch này là 14 bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc.

 

Kế hoạch được triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho tỉnh Quảng Ngãi và chuyển tuyến điều trị các trường hợp bệnh nặng. Các trường hợp nặng được chuyển và các tuyến cuối điều trị như Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2... Giai đoạn 2 sẽ triển khai điều trị tại chỗ: bệnh nhẹ thì điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, nặng thì đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

 

Trả lời thắc mắc bệnh nhân nặng khi chuyển về bệnh viện tuyến cuối điều trị còn bị tử vong, nay lại đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi liệu có cáng đáng nổi không, PGS. TS Trần Hậu Khang nói ngắn gọn: “Bộ sẽ tăng cường các chuyên gia có kinh nghiệm về giúp đỡ điều trị, đào tạo bác sĩ tại địa phương. Đồng thời tăng thêm nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Quảng Ngãi”.

Khẩn trương cứu người

 

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 7-6 về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) rất bức xúc khi phác đồ điều trị cũng như các khuyến nghị của Bộ Y tế đã được địa phương kịp thời thực thi nhưng vẫn không hiệu quả, người bệnh vẫn cứ chết. “Tôi xin kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cần sử dụng tất cả các nguồn lực và tất cả tổ chức có thể, khẩn trương mời Tổ chức Y tế thế giới vào nghiên cứu nhằm sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu để cứu người” - ông Phúc gay gắt.

 

Hội thảo chuyên đề đầu tiên

 

Tính từ khi xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh “lạ” đầu tiên (19-4-2011), đây là hội thảo chính thức thứ hai về căn bệnh này được Bộ Y tế tổ chức (hội thảo lần 1 được tổ chức tháng 4-2012 tại Quảng Ngãi, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long). Tuy nhiên đây là hội thảo chuyên đề về điều trị cho bệnh nhân bệnh “lạ” đầu tiên.

 

Theo Bộ Y tế, đã có hai chuyến khảo sát của Bệnh viện Da liễu T.Ư trong năm 2011, hai đoàn khảo sát liên viện. Đoàn 1 từ ngày 25 đến 28-4 với 35 thành viên và đoàn 2 trong tháng 5-2012 với 70 thành viên, chưa kể các chuyến công tác lẻ tẻ khác.

(Theo TTO)